1. Ăn quá nhanh
Cuộc sống cạnh tranh khiến chúng ta luôn trong tư thế gấp gáp và mong giải quyết mọi việc nhanh nhất có thể, ngay cả ăn uống. Ăn vội vàng đã trở thành thói quen từ lúc nào chẳng biết của nhiều người bận rộn.
Thói quen xấu này khiến bạn nuốt cả không khí trong quá trình ăn dẫn tới tích tụ khí trong bụng. Vận động ngay sau ăn cùng những miếng thức ăn lớn chưa kịp nghiền nhỏ khiến tiêu hóa chậm cũng là nguyên nhân gây đầy hơi không mong muốn.
Thay vì "vừa ăn vừa chạy", mỗi người nên dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn tại bàn chỉnh tề, để ăn chậm, nhai kỹ. Ảnh: slimband.com |
Các chuyên gia còn dẫn ra một nguy cơ nữa từ việc ăn uống vội vã, ấy là mất kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ mỗi bữa. Do vậy, hãy thay đổi thói quen "vừa ăn vừa chạy", dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn tại bàn chỉnh tề. Đó là thời gian để não bộ nhận thức cảm giác no, truyền tín hiệu rằng bạn có thể bỏ bát đũa và ngừng ăn để không đi quá giới hạn.
2. Ăn sống cải xoăn
Giàu các vitamin thiết yếu, cải xoăn xứng đáng với danh hiệu "siêu sao" salad. Vấn đề vướng mắc là loại rau họ cải này lại chứa quá nhiều chất xơ khó phân hủy và loại đường raffinose mà các enzyme trong đường ruột không tiêu hóa được. Vì thế khi ăn sống cải xoăn trong các món rau trộn hay sinh tố dễ sinh khí trong đường ruột. Các loại rau họ cải màu xanh khác như cải brussel hay súp lơ xanh cũng có tác động tương tự.
Lời khuyên để giảm chứng đầy hơi trong trường hợp này là luộc qua cải xoăn trước khi trộn salad. Nhờ đó, các chất xơ trở nên mềm hơn và bạn cũng giảm được lượng cải xoăn tiêu thụ.
Cải xoăn chứa nhiều chất xơ và đường raffinose rất khó phân hủy. Ảnh: medicalnewstoday.com |
3. Uống nước bằng ống hút
Nhịp sống hiện đại khiến yếu tố thuận tiện trở thành ưu tiên của không ít người trưởng thành. Thói quen uống cà phê, sinh tố, nước ép qua ống hút khi di chuyển hay chuyện trò dần thành sở thích và thói quen của nhiều người. Tuy nhiên hút nước qua ống lại khiến bạn nạp vào người một lượng không khí thừa, gây đầy hơi như với cảm giác khó chịu như một quả bóng bơm căng.
Tác động tiêu cực này không thay đổi dù bạn có hút chậm hay đặt ống hút thật sâu xuống đáy cốc, bởi khí đưa vào cơ thể đã ở ngay trên phần đầu ống. Để chặn cơn đầy hơi, hãy cố gắng dùng các loại thức uống bằng cách rót ra cốc bất cứ khi nào có thể.
4. Tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn và đồ hộp chứa nhiều natri hơn bạn nghĩ. Bên cạnh bánh quy giòn, khoai tây chiên vốn là những "quả bom" natri, các sản phẩm làm sẵn như soup, salad, ngũ cốc, sốt cà chua cũng chứa không ít natri và có thể khiến lượng natri tiêu thụ vượt ngưỡng an toàn 2.300 mg một ngày.
Khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, bạn nên đọc kỹ nhãn mác và lựa chọn các thực phẩm đóng gói chứa ít hơn 500 mg trong một phần ăn. Giải pháp tốt nhất vẫn là hạn chế các thực phẩm này càng nhiều càng tốt. Thay vào đó là những món ăn tự chế biến mỗi ngày chứa ít hoặc không chứa natri như trái cây tươi, ngũ cốc và rau quả.
5. Thường xuyên dùng thức uống có ga
Bọt khí ga trong các loại thức uống này là nguyên nhân gây chướng bụng. Các loại soda ăn kiêng thậm chí còn tệ hơn vì chứa thêm chất làm ngọt nhân tạo phải mất một thời gian dài mới được giải thoát khỏi đường ruột.
Để giảm bớt lượng khí đưa vào bụng, có thể mở nắp hộp vài giờ trước khi uống và đổ nước ra cốc cho sẵn đá. Tốt hơn hết, hãy cố gắng tránh các thức uống này khi có thể.
6. Ăn quá nhiều các loại đậu
Các loại đậu dồi dào protein thực vật là thực phẩm tuyệt vời. Nhưng không may, trong đậu lại chứa một lượng lớn đường phức tạp có tên raffinose rất khó tiêu hóa, khiến chúng nổi danh là những thực phẩm dễ sinh khí.
Với giá trị dinh dưỡng cao, bạn không thể loại trừ hoàn toàn đậu ra khỏi thực đơn. Giải pháp là sử dụng sản phẩm bổ sung enzyme có thể tiêu hóa các loại đường trong đậu để thúc đẩy hệ tiêu hóa sau khi ăn.
7. Nhai kẹo cao su và ngậm kẹo cứng
Cũng giống như dùng ống hút và ăn quá nhanh, nhai kẹo su và ngậm kẹo cứng làm một lượng khí nạp vào đường ruột gây chướng bụng khó chịu. Ảnh: mybodyhealbynancy |
Kẹo cao su cùng kẹo cứng là cứu cánh cho người muốn giảm cân và bỏ thuốc bởi khả năng giữ cho miệng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, song hành với hoạt động nhai, bạn vô tình nạp một lượng khí vào đường ruột, cũng giống như khi dùng ống hút và ăn quá nhanh. Khí trong bụng khi đó sẽ gây tình trạng chướng bụng khó chịu.
Hãy chuyển từ nhai ngậm kẹo sang uống nước thường xuyên. Thói quen này cũng có tác dụng giữ miệng bận rộn, thêm vào đó là điểm cộng bổ sung nguồn nước đầy đủ cho cơ thể.
8. Ăn tối sát giờ ngủ
Dùng bữa tối 1-2 giờ trước khi ngủ cũng là nguyên nhân gây đầy hơi bởi tư thế nằm làm giảm chức năng tiêu hóa. Đi ngủ với một bụng đầy thức ăn sẽ không dễ dàng cho hệ tiêu hóa làm tốt nhiệm vụ của mình, kết quả để lại có thể là một đêm trằn trọc thâu đêm vì bụng chướng.
Dù thời gian biểu của mỗi người rất khó thay đổi, song vì sức khỏe nên ăn tối ít nhất 3-4 giờ trước lúc đi ngủ. Nếu không còn lựa chọn nào khác hãy giảm khẩu phần ăn và tái nạp thức ăn vào buổi sáng hôm sau, khi hệ chuyển hóa làm việc sung sức trở lại.
Khánh Hà (Theo Health)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét