Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phép điều trị ARV sớm hơn

hiv-3168-1433315291.jpg

Ảnh: HIV.

Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cập nhật về việc thay đổi trong tiêu chuẩn khởi động điều trị ARV cho bệnh nhân HIV. Theo đó, bệnh nhân có thể tiếp cận sớm hơn với điều trị kháng virus, vốn được xem là cốt lõi của điều trị HIV.

Một số thay đổi chủ chốt trong tiêu chuẩn điều trị mới so với trước đây bao gồm:

- Nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV ở người lớn và trẻ trên 5 tuổi theo chỉ số CD4 từ 350 tế bào/mm3 thành 500 tế bào/mm3. Nói một cách đơn giản, bệnh nhân không phải chờ đến khi tế bào CD4 tụt xuống dưới mức 350 mới được chỉ định khởi động điều trị ARV. Điều này phù hợp với các công bố khoa học gần đây nhấn mạnh vai trò tích cực của điều trị ARV sớm trên bệnh nhân HIV mang lại hiệu quả tích cực hơn.

- Điều trị ARV cho tất cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai hay đang cho con bú thay vì hướng dẫn cũ khuyến cáo khởi động điều trị dự phòng mẹ con từ tuần thai thứ 14. Với thay đổi này, ngành y tế hy vọng đạt được một trong 3 mục tiêu chiến lược của công cuộc phòng chống HIV là "không có ca nhiễm mới", đặc bi trong nhóm trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm virus nàu.

- Mở rộng chỉ định điều trị ARV không dựa vào tiêu chuẩn CD4 cho các đối tượng: Người có bạn tình hay vợ/chồng là người âm tính, bệnh nhân đồng nhiễm với viêm gan B,C, bệnh nhân nằm trong các nhóm nguy cơ cao (tiêm chích ma tuý, mại dâm, nam đồng giới). Mục đích chính của thay đổi này nhằm hướng tiêu chí "điều trị như là biện pháp dự phòng". Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc tuân thủ điều trị ARV và khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu sẽ giúp làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm của người bệnh, theo công bố năm 2011 là giảm 96%.

- Với trẻ em dưới 5 tuổi: chỉ định điều trị sẽ dành cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi thay vì dùng mốc 2 tuổi như hướng dẫn cũ. Thay đổi này sẽ góp phần giảm tỷ lệ bệnh cơ hội cũng như tỷ lệ tử vong trên trẻ nhỏ nhiễm HIV.

Theo giới chức y tế, tất cả các thay đổi trên đều phù hợp với các công bố khoa học trong giai đoạn gần đây và thể hiện gần như trọn vẹn hướng dẫn điều trị của Tổ chức y tế Thế giới ban hành vào khoảng cuối năm 2013.

Tiêu chuẩn điều trị mới này là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng người có H bởi giá trị tích cực mang lại cho mỗi cá nhân. Điều trị ARV sớm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người có H. Đây được xem là bước tiến quan trọng của ngành HIV nhằm đạt được mục tiêu trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020. Từ đó hướng tới tầm nhìn "ba không" vào năm 2030: Không còn người nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến