Tuổi càng cao, người già càng dễ mắc bệnh tật do các cơ quan chức năng suy yếu, hệ miễn dịch giảm hoạt động. Các bệnh phổ biến nhất là xương khớp, tim mạch, tiêu hóa và tiết niệu. Bệnh lúc đầu ở thể nhẹ, triệu chứng thoáng qua, nhưng sau trở nên mạn tính và khó chữa. Vì vậy, người già nên chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp ăn uống, sinh hoạt và tập luyện dưới đây.
Bệnh xương khớp
Người cao tuổi thường mắc các bệnh đau, thoái hóa xương khớp. Khi thời tiết thay đổi, các triệu chứng đau nhức cột sống, thắt lưng, khớp gối, đốt sống cổ, khớp bàn tay, ngón tay… càng nghiêm trọng hơn. Người già mắc thoái hóa khớp dễ gặp biến chứng cứng khớp, đau mỏi và vận động khó khăn mỗi sáng thức dậy.
Bệnh xương khớp khiến người già đau mỏi và vận động khó khăn. Ảnh: Shutterstock. |
Để phòng bệnh, người cao tuổi cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, collagen, vitamin, acid béo omega 3… ngăn chặn thoái hóa sụn khớp, phòng chống loãng xương. Ngoài ra, cần lưu ý vận động nhẹ nhàng, tập các bài tập thể dục vừa sức. Khi bị đau nhức khớp, có thể dùng dầu, cao để làm nóng, thúc đẩy máu lưu thông đến các khớp dễ dàng hơn.
Bệnh tim mạch
Tăng mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành… là các bệnh rối loạn chuyển hóa và tim mạch mà người già thường gặp phải. Nguy hiểm nhất là bệnh nhồi máu cơ tim gây đột quỵ, tai biến mạch máu não. Bệnh có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại biến chứng rối loạn ngôn từ, nhận thức, rối loạn vận động, liệt nửa người, đại tiểu tiện không tự chủ.
Người già nên hạn chế thực phẩm nhiều calo, ít dinh dưỡng (bánh nướng, bơ đậu phộng...); ngũ cốc có đường; thực phẩm chế biến (khoai tây chiên, thịt muối...); đồ ăn nhẹ, thức uống có gas... Đây đều là các thực phẩm gây ra bệnh béo phì, đe dọa sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tránh tiếp xúc với các hóa chất, thuốc lá, rượu bia...
Bệnh tiêu hóa
Chuyển hóa kém khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, táo bón kéo dài, viêm dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng co thắt, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản… Nhóm bệnh này làm người già ăn không ngon, ngủ không yên, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Chế độ ăn khoa học giúp cải thiện hệ tiêu hóa của người già. Ảnh: Shutterstock. |
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tuân thủ chế độ ăn khoa học, hạn chế mỡ động vật, sử dụng thực phẩm dễ hấp thu, bổ sung đạm và chất béo thực vật... Các động tác xoa bóp bụng và cơ bắp, đi bộ hoặc tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như cầu lông, dưỡng sinh… cũng giúp cải thiện chức năng tiêu hóa ở người cao niên.
Bệnh đường tiết niệu
Chịu ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu - sinh dục như viêm bàng quang, sỏi tiết niệu, u xơ tuyến tiền liệt (nam giới), u xơ cổ tử cung (nữ giới)... Bệnh tiết niệu khiến người già đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm. Một số người già còn tiểu tiện mất tự chủ và cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống.
Uống nhiều nước mỗi ngày là cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả. Nước giúp cuốn vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu, ngăn chặn sự tăng trưởng của chúng. Để tránh phiền toái do tiểu tiện mất tự chủ hoặc rối loạn đường tiểu vào ban đêm, người già cũng có thể tham khảo các biện pháp hỗ trợ như sử dụng tã giấy, để an tâm ngủ ngon và giữ vệ sinh cơ thể.
An San
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét