Tôi đi khám, kết quả xét nghiệm dương tính với HPV - DNA, nguy cơ cao nhóm A7 tuýp 18, 39, 45, 59, 68. Bác sĩ soi âm đạo kết luận bị viêm nên bác sĩ cho tôi và chồng cùng uống thuốc, đặt thuốc và thuốc rửa trong một tuần rồi tái khám. Sau đó, bác sĩ cho tôi thêm một tuần thuốc đặt và uống cùng với chồng rồi hẹn 3 tháng tái khám.
Tôi rất lo lắng với vấn đề sức khỏe. Tôi có nguy cơ ung thư hay không, có cần uống thêm thuốc gì hay không? Nhờ bác sĩ giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Hương).
Ảnh minh họa: Womenshealth. |
Trả lời:
Chào chị,
Trước tiên, cảm giác đau rát sau quan hệ kèm biểu hiện khó chịu như chị mô tả rất có thể xuất phát từ bệnh viêm âm đạo, đúng như chẩn đoán của bác sĩ phụ khoa. Viêm âm đạo không hiếm gặp và cũng dễ điều trị, sau 1-2 tuần dùng thuốc đặt và uống, tôi tin là tình trạng bệnh của chị đã cải thiện rõ rệt.
Viêm âm đạo có thể tái phát nên chị cần thực hiện đúng các quy tắc dưới đây để phòng ngừa tốt nhất:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Tránh mặc quần lót quá chật hoặc ẩm ướt.
- Không nên thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng nước sạch để tắm rửa, vệ sinh, tránh đi bơi hoặc tiếp xúc với nguồn nước bẩn.
- Không nên dùng xà bông hoặc các dung dịch tẩy rửa mạnh để vệ sinh âm đạo.
- Luôn luôn lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Việc lau chùi, vệ sinh không đúng cách dễ làm lây lan vi khuẩn vào âm đạo, có thể dẫn đến tiết dịch âm đạo và nhiễm trùng.
Quay lại với mối lo của chị về ung thư. Trong hơn 20 năm trở lại đây, y học đã phát hiện mối liên hệ mật thiết giữa ung thư cổ tử cung và HPV (human papillomavirus, virus gây u nhú ở người). Gần như 99% trường hợp bị ung thư cổ tử cung đều liên quan đến việc nhiễm HPV trước đây. Trong đó type 16 và 18 chiếm gần 70% trường hợp.
Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV đều sẽ bị ung thư cổ tử cung. Ít nhất là HPV cần một thời gian tương đối trước khi có thể gây chuyển biến tiền ung và ung thư trên tế bào cổ tử cung. Do vậy, những người nhiễm HPV nguy cơ cao như trường hợp của chị sẽ cần những theo dõi định kỳ.
Có nhiều xét nghiệm để theo dõi ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như là PAP's smear, cần lấy ra một ít tế bào ở vùng cổ tử cung, sau đó nhuộm và quan sát bằng kính hiển vi. Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện sớm các tế bào có hình dạng bất thường, thuật ngữ gọi là những tế bào dị sản hay trễ hơn chút là những tế bào chuyển sản hoặc ung thư tại chỗ. Khi có bất thường trong thăm khám hay trên xét nghiệm PAP, bác sĩ có thể soi cổ tử cung, quan sát dưới kính phóng đại, có hay không nhuộm màu. Kỹ thuật này giúp quan sát thấy những bất thường ở bề mặt cổ tử cung, đồng thời hỗ trợ sinh thiết cổ tử cung nếu cần.
Theo những công trình nghiên cứu hồi cứu, rất may mắn là thời gian tiến triển của tiền ung thư cổ tử cung sang ung thư xâm lấn có thể kéo dài 8-10 năm. Vì thế cách xử trí có thể thay đổi từ bảo tồn tử cung cho đến cắt tử cung. Ðiều này có nghĩa là nếu phát hiện vào giai đoạn tiền ung thư như dị sản hay ung thư tại chỗ thì nguy cơ khỏi bệnh rất cao, chỉ khi bước sang giai đoạn ung thư xâm lấn thì tổn thương tiến triển rất nhanh, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tử vong trong 2-5 năm. Nếu phát hiện sớm, đa số trường hợp điều trị khoét chóp cổ tử cung thành công, cho tỷ lệ tái phát rất thấp.
Lần tái khám sau 3 tháng của chị, có thể bác sĩ sẽ làm lại xét nghiệm PAP's smear. Sau đó, chị cần theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm này, có thể 6 tháng hay mỗi năm một lần. Ngay khi phát hiện những bất thường đầu tiên, bác sĩ phụ khoa sẽ có những chỉ định can thiệp phù hợp và triệt để.
Chị không cần quá lo lắng về căn bệnh này, vì như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Hãy tin tưởng rằng nhờ kỹ thuật xét nghiệp PAP định kỳ và các can thiệp sớm trên tế bào cổ tử cung bất thường, y học đã có thể khống chế rất tốt căn bệnh này.
Thân ái.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét