Khoảng 3 tháng gần đây, anh Hà bắt đầu xuất hiện ban đỏ hình lưỡi liềm hoặc hình trăng khuyết rải rác toàn thân và rất ngứa. Anh đi khám tại nhiều nơi và được chẩn đoán bị mề đay mạn tính. Được điều trị bằng kháng histamine, nhưng triệu chứng bệnh của anh Hà không cải thiện.
Ban đỏ do ký sinh trùng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Khám ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, xác định anh Hà có các ban đỏ đặc trưng của tổn thương da do nhiễm ký sinh trùng: ban đỏ dạng hình bán nguyết, không nổi gồ trên bề mặt da, rất ngứa. Ngoài tăng bạch cầu ái toan và IgE toàn phần, các kết quả xét nghiệm khác trong giới hạn bình thường.
Vì bệnh nhân có thói quen ăn gỏi cá sống, rau sống nên bác sĩ chỉ định tiếp làm xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Kết quả cho thấy, anh bị nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và giun đũa chó.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị ký sinh trùng phối hợp với thuốc điều trị kiểm soát triệu chứng dị ứng. Sau 4 tuần điều trị, các triệu chứng của bệnh cải thiện nhiều. Anh vẫn cần theo dõi và khám lại sau một tháng, 3 tháng và 6 tháng để kiểm tra lại tình trạng tái nhiễm ký sinh trùng.
Theo bác sĩ Khánh, mề đay là biểu hiện hay gặp, khoảng 15-25% bệnh nhân xuất hiện mề đay ít nhất một lần trong cuộc đời, khoảng 1% trong số đó chuyển thành mề đay mạn tính. Nguyên nhân bệnh rất phức tạp và khó để xác định; có thể do thuốc, các bệnh ác tính như ung thư, bệnh nội tiết như basedow, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ hệ thống, virus viêm gan B, nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, ký sinh trùng, do yếu tố cơ địa....
Thực tế, hơn 50% bệnh nhân mề đay mạn tính chưa xác định được nguyên nhân. Bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị rất tốt nếu tìm được nguyên nhân. Thời gian điều trị trung bình để kiểm soát từ 3 tháng đến 6 tháng tùy từng bệnh nhân.
Nam Phương
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét