Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Mất tiền chữa bệnh oan vì phát hiện lupus ban đỏ muộn màng

Tái khám tại Bệnh viện Bạch Mai vào giữa tháng 3, chị Tuyết cho hay trước khi được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ, chị đã uống, nhỏ... nhiều thuốc chữa viêm giác mạc. Hai mắt lúc nào cũng sưng, cảm giác nặng trĩu, rất khó chịu. Chị còn hay bị sốt, rụng tóc. Chữa trị đau mắt gần một năm không khỏi, có những lúc mắt thậm chí sưng tới nỗi che kín cả tầm nhìn, chị đến Bệnh viện Mắt trung ương khám, bác sĩ kết luận mắt không có vấn đề gì và khuyên khám chuyên khoa dị ứng miễn dịch. Tại Bệnh viện Bạch Mai, chị được khám lâm sàng, chỉ định làm các xét nghiệm và xác định mắc bệnh tự miễn lupus ban đỏ.

lupus-8569-1427076912.jpg

Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện điển hình ban đỏ hai bên gò má bắc cầu qua sống mũi trong bệnh lupus ban đỏ.

Chị Miền, 28 tuổi (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cũng chữa hết dị ứng, đau khớp rồi mới phát hiện bị lupus nặng khi đang mang thai ở tháng thứ 6. Từ lúc chưa lập gia đình, chị đã hay bị nổi ban đỏ, đau nhức xương khớp. Ngại đi khám, chị uống thuốc của một thầy lang trong vùng. Tình trạng không tiến triển, chị nghĩ do cơ địa nên vẫn uống tiếp tục uống thuốc nam, ngâm chân... cho bớt cảm giác khó chịu, đau đớn. Một năm trước, chị lập gia đình. Mang thai được 4 tháng, các khớp chân, tay của chị sưng, đau, môi miệng cũng sưng to và thâm. Khám tại Bệnh viện Bạch Mai, chị mới biết bị lupus ban đỏ rất nặng, đã ảnh hưởng tới cả tim, thận... Các bác sĩ khuyên chị nên đình chỉ thai kỳ để khỏi ảnh hưởng tới sức khỏe, hy vọng không nguy hiểm tới tính mạng

Trường hợp chị Tâm 40 tuổi ở Thái Nguyên còn nặng nề hơn. Từ 6 năm trước, chị hay thấy mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ, mặt phù, khám ở một cơ sở y tế gần nhà thì được chẩn đoán là bị yếu thận. Suốt hai năm, chị Tâm dùng đủ các loại thuốc đông, tây để chữa thận nhưng tình trạng không cải thiện. Khi miệng bị sưng tấy, sốt cao tới 40 độ mấy ngày liền không đỡ, gia đình đưa đến bệnh viện tuyến trên khám và làm xét nghiệm mới phát hiện bệnh lupus ban đỏ của chị đã ở giai đoạn muộn, tấn công vào cả thận, gan, phổi... khiến các nội tạng đều đã hư hỏng nặng, khó chữa trị.

bs-truong-3005-1427076913.jpg

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dự ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, đang kê đơn thuốc cho một bệnh nhân lupus ban đỏ. Ảnh: MT.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Bình thường, hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Trong trường hợp người mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh tự miễn khác, hệ thống miễn dịch mất khả năng phân biệt lạ - quen và chống lại cơ thể bằng cách sinh ra kháng thể kháng lại tế bào của hầu hết các cơ quan.

Trong tên của bệnh, Lupus là một từ latin có nghĩa chó sói, xuất phát từ việc người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói. Từ ban đỏ để chỉ một dấu hiệu phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này. Từ hệ thống được sử dụng do bệnh gây ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể.

Theo bác sĩ Trường, hiện nay hiểu biết về bệnh lupus ban đỏ trong cộng đồng và ngay cả ở một bộ phận thầy thuốc, còn hạn chế. Trong khi đó, có tới hơn 90% số bệnh nhân đến khám lupus ban đỏ có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt... Những trường hợp này nếu không tìm đến đúng cơ sở khám chuyên khoa, họ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác.

Thực tế, phần lớn bệnh nhân bị lupus ban đỏ tìm đến trung tâm khi bệnh đã toàn phát, ở thể nặng, ít người được phát hiện bệnh sớm. Trước khi được chẩn đoán chính xác, nhiều người từng bị điều trị oan cả năm, thậm chí vài năm các bệnh khác như dị ứng, thấp khớp, bệnh mắt, thận...

Những người may mắn nổi ban đỏ ngay từ đầu thường được phát hiện bệnh sớm hơn.Bác sĩ cho biết, những trường hợp được chẩn đoán muộn, khi bệnh nhân lupus ban đỏ đã có các tổn thương nội tạng rồi thì việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn nhiều, đi cùng với đó là tiên lượng bệnh xấu.

Lupus ban đỏ là một bệnh phổ rộng, tình trạng bệnh nặng nhẹ còn phụ thuộc vào cơ địa và mức độ mẫn cảm của cơ thể người bệnh. Có những bệnh nhân chỉ cần duy trì thuốc là sức khỏe ổn định, vẫn sinh con, sống cuộc sống bình thường, đạt tuổi thọ cao. Có những người vừa phát hiện bệnh là đã ở giai đoạn nặng, khó cứu chữa. Tuy nhiên, đa số trường hợp phát hiện sớm, điều trị kịp thời vẫn mang lại nhiều cơ hội điều trị, giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe tốt hơn.

Các dấu hiệu đặc trưng cần lưu ý để có thể phát hiện bệnh sớm là:

- Sút cân không rõ nguyên nhân.

- Sốt thất thường, kéo dài.

- Ban đỏ hình cánh bướm (ở hai gò má, bắc cầu qua cánh mũi) nhưng không ngứa.

- Đau mỏi khớp.

- Rụng tóc...

Bác sĩ cho biết, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh mãn tính chưa có phương pháp chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Việc trị bệnh này về cơ bản là phòng chống các đợt phát bệnh và giảm mức độ cũng như thời gian ảnh hưởng của mỗi cơn bệnh. Kết quả điều trị của bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cần:

- Tuân thủ việc điều trị, cần dùng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Không vì bất cứ lý do gì mà bỏ thuốc.

- Tránh ánh nắng mặt trời.

- Nghỉ ngơi hợp lý.

- Tránh sang chấn tâm lý, quá lo âu...

Vương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến