Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Khí amoniac gây độc cho cơ thể như thế nào

Mới đây, Công ty Amanda ở khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai, khóa van cấp nước giải nhiệt khiến nhiệt độ khí amoniac bên trong hệ thống làm lạnh tăng cao. Van tự động xả khí ra ngoài khiến gần trăm nữ công nhân công ty bên cạnh ngất xỉu .

Amoniac (NH3) là chất hóa học tự nhiên trong bầu không khí, như một hóa chất nhân tạo cần thiết cho cuộc sống và sản xuất. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.

Gần trăm nữ công nhân ngất xỉu khi tiếp xúc với amoniac. Ảnh: Hoàng Trường.

Gần trăm nữ công nhân ngất xỉu khi tiếp xúc với amoniac nồng độ cao tại công ty Amanda, Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Trường.

Vai trò của amoniac đối với con người

Amoniac là một yếu tố cần thiết cho thực vật, động vật và đời sống con người. Nó được tìm thấy trong đất, nước, không khí và là nguồn nitơ rất cần thiết cho cây trồng vật nuôi. Amoniac trong môi trường xuất phát từ sự phân hủy tự nhiên của phân bón, thực vật đã chết và động vật, nhà máy điện, nguồn điện thoại di động và khí thải sản xuất khác.

Amoniac cần thiết cho sự tổng hợp DNA và protein. Đó là các khối xây dựng cơ bản của cuộc sống. Nó cũng đóng vai trò trong việc duy trì sự cân bằng acid-base. Ngoài ra, vi khuẩn trong đường tiêu hóa phá vỡ các hợp chất thực phẩm khác để tạo thành amoniac. Cơ thể sản xuất khoảng 17 g amoniac mỗi ngày, trong đó khoảng 4 g được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể, phần còn lại bài tiết qua nước tiểu.

Lượng amoniac con người hấp thu vào cơ thể từ các nguồn bên ngoài là khoảng 18 mg mỗi ngày, từ đạm và các loại thực phẩm nhất định có chứa phụ gia muối amoni và từ không khí, nước.

Gan người có khả năng chuyển đổi 130 g amoniac thành urê mỗi ngày mặc dù nó thường chỉ hoạt động khoảng 1/8 công suất đó. Do đó, cơ thể con người có thể xử lý bất kỳ amoniac dư thừa như từ một bữa ăn giàu protein hoặc từ phơi nhiễm môi trường. Amoniac được đào thải chủ yếu qua nước tiểu và một ít trong hơi thở.

Ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc amoniac

- Hít phải: Amoniac có tính ăn mòn. Tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt.

- Tiếp xúc trực tiếp: Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong.

- Nuốt phải: Vô tình ăn hoặc uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn.

- Không có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư. Không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Nồng độ/Thời gian

Tác hại

10.000 ppm Gây chết người.
5.000 - 10.000 ppm Viêm phế quản hóa chất, tích tụ chất dịch trong phổi, bỏng hóa chất của da và có khả năng gây tử vong nhanh chóng.
700-1700 ppm Ho, co thắt phế quản, đau ngực cùng với kích ứng mắt nghiêm trọng và chảy nước mắt.
500 ppm trong 30 phút Kích ứng đường hô hấp, chảy nước mắt.
134 ppm trong 5 phút Kích ứng mắt, kích ứng mũi, ngứa họng, rát ngực.
140 ppm trong 2 giờ Kích ứng nặng, cần phải rời khỏi khu vực tiếp xúc.
100 ppm trong 2 giờ Khó chịu ở mắt và kích thích họng.
50-80 ppm trong 2 giờ Thay đổi ở mắt và kích thích họng.
20-50 ppm Khó chịu nhẹ.

Biểu hiện khi ngộ độc amoniac

Ngộ độc xảy ra nếu hít, nuốt hoặc chạm vào các sản phẩm có chứa một lượng rất lớn các amoniac.

- Hô hấp: Ho, đau ngực (nặng), đau thắt ngực, khó thở, thở nhanh, thở khò khè.

- Mắt, miệng, họng: Chảy nước mắt và đốt mắt, mù mắt, đau họng nặng, đau miệng, môi sức.

- Tim mạch: Nhanh, mạch yếu, sốc.

- Thần kinh: Lẫn lộn, đi lại khó khăn, chóng mặt, thiếu sự phối hợp, bồn chồn, ngẩn ngơ.

- Da: Môi xanh lợt màu, bỏng nặng nếu tiếp xúc lâu.

- Dạ dày và đường tiêu hóa: Đau dạ dày nghiệm trọng, nôn.

Ảnh hưởng khi tiếp xúc với ammoniac trong một vài phút

Nồng độ (ppm)

Các triệu chứng

Hậu quả

Ít hơn 5000

Đau nhói ở mắt, miệng, đau khi nuốt, khàn giọng, ho.

Sưng đỏ niêm mạc mắt, môi, miệng, phù nề họng.

Phục hồi mà không có biến chứng ở phổi.
5000 - 10.000 Các triệu chứng trên trầm trọng hơn.

Đau thắt ngực, khó nuốt, ho có đờm lẫn máu, tăng nhịp tim và hô hấp, sưng mí mắt, rát màng nhầy.

Tử vong do tắc nghẽn đường hô hấp.
Lớn hơn 10.000 Tương tự như các triệu chứng trên.

Sốc, bồn chồn, căng thẳng, tím tái, khó thở.

Tử vong.

Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến