Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Hai chứng đau nửa đầu chị em thường gặp

Đau nửa đầu còn gọi là đau đầu căn nguyên mạch máu thần kinh. Chị em thường gặp khó khăn khi phân biệt với các dạng đau đầu khác. Do hạn chế thông tin và ngại thăm khám bác sĩ, nên nhiều người không biết mình mắc bệnh, dùng thuốc giảm đau bừa bãi gây hại cho sức khỏe.

2-chung-dau-nua-dau-chi-em-thuong-gap

Đau nửa đầu khiến nhiều chị em mệt mỏi, khó chịu, stress.

Dựa trên dấu hiệu lâm sàng, có thể chia làm 2 loại: đau nửa đầu không "aura" (không có triệu chứng báo trước) và có "aura" (có triệu chứng báo trước):

Đau nửa đầu không aura

Cơn đau đầu thường xuất hiện về đêm và gần sáng, ít gặp vào ban ngày. Bệnh nhân thường xuất hiện 1-2 cơn đau mỗi tuần và ít hơn 8 cơn đau mỗi tháng. Thời gian đau có thể kéo dài 4-72 giờ đồng hồ, đạt cường độ mạnh nhất sau 1- 2 giờ khởi phát, ở một bên đầu, sau đó có thể lan sang bên đối diện hoặc theo đường vành khăn quanh trán.

Cảm giác đau âm ỉ khó chịu, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn nhói như kim châm, đau theo nhịp nẩy của mạch máu thái dương và nhịp đập của tim. Bệnh nhân khi đó thấy khó chịu với ánh sáng, tiếng ồn, màu sắc hay mùi lạ trong không khí.

Cơn đau tăng lên khi làm việc và gắng sức, nếu nghĩ ngơi yên tĩnh sẽ giảm dần. Một số bệnh nhân có thể kèm theo buồn nôn và nôn, số ít rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, tiêu chảy.

2-chung-dau-nua-dau-chi-em-thuong-gap-1

Cơn đau tăng lên khi làm việc và gắng sức.

Đau nửa đầu có aura

Trước khi xuất hiện cơn đau đầu khoảng một giờ, bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn thị giác, cảm giác, ngôn ngữ theo trình tự. Mỗi rối loạn kéo dài khoảng 20-30 phút.

Rối loạn thị giác: Khoảng 80% bệnh nhân có biểu hiện hoa mắt, nhìn thấy các vân sáng ngoằn nghèo, nhiều màu sắc, sau đó mất đi để lại những khoảng tối. Một số lại không nhìn thấy trong khoảng thời gian ngắn.

Rối loạn cảm giác: 70% các trường hợp đi kèm rối loạn thị giác với biểu hiện dị cảm kiểu kiến bò, tê cóng ở một bên bàn tay và quanh mồm. Một số trường hợp nặng có thể mất cảm giác hoàn toàn.

Rối loạn ngôn ngữ: Thường ít gặp hơn như quên từ, loạn ngôn, người khác nói tạm thời không hiểu gì hoặc không ý thức được điều mình đang diễn đạt.

Nguyên nhân

Các chuyên gia cho rằng, đau nửa đầu là dạng đau đầu nguyên phát liên quan đến vận mạch não. Đó là sự thay đổi nhanh cơ chế vận mạch gây co mạch sau đó giãn mạch. Ngoài ra có sự tham gia của chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong máu được giải phóng và phân giải đột ngột, gây ra hiện tượng co giãn mạch máu não. Yếu tố kích thích đau nửa đầu gồm:

Tâm lý: Căng thẳng, mất ngủ kéo dài, lo lắng, bồn chồn.

Nội tiết: Xuất hiện nhiều vào chu kỳ kinh nguyệt, ít trong thời kỳ mang thai, giảm sau mãn kinh.

Môi trường: Thay đổi thời tiết, ánh sáng, tiếng ồn, mùi lạ trong không khí

Di truyền: Bệnh liên quan chặt chẽ với tiền sử gia đình, nếu bố hoặc mẹ đau nửa đầu thì tỷ lệ mắc bệnh ở con khoảng 40-5%, còn cả bố lẫn mẹ đều mắc thì con số này là 70%.

Tuổi tác, giới tính: Bệnh thường gặp ở nữ giới (75%), đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt.

Ăn uống: Một số chất kích thích như rượu bia, thuốc lá hay cà phê

Bệnh liên quan: Trầm cảm, tổn thương ở não, rối loạn thần kinh thực vật, loét dạ dày - tá tràng...

Lạm dụng thuốc điều trị: Sử dụng thuốc tránh thai làm tăng 17% bệnh đau nữa đầu. Thuốc giảm đau làm cơn đau đầu tăng lên và dai dẳng.

Cách phòng ngừa

Người bệnh nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt, đừng làm việc quá nhiều, dành thời gian rèn luyện sức khỏe, vận động thường xuyên kết hợp với nghỉ ngơi tránh stress.

Giấc ngủ ngon sẽ giúp các tế bào trong cơ thể được nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và cân bằng nội tiết tố. Duy trì thời gian ngủ hợp lý và giờ giấc cụ thể cũng giúp bạn phòng ngừa bệnh.

Bổ sung vitamin, magie cho bệnh nhân đau nửa đầu là một trong những cách hạn chế cơn đau xuất hiện, giúp an thần và ngủ ngon giấc. Ngoài ra có thể bổ sung thêm DHA từ tảo biển sâu, hỗ trợ phòng ngừa xơ vỡ động mạch và hoạt động não.

An San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến