Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Dinh dưỡng hợp lý giúp phòng, điều trị cảm cúm cho trẻ

Buổi tư vấn trực tuyến "Phòng và điều trị cảm cúm cho trẻ" diễn ra trên VnExpress ngày 22/11 nhận nhiều câu hỏi của độc giả. Dưới đây là phần tư vấn của Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng thư ký Chi hội Tiêu hoá Gan mật Dinh dưỡng Nhi Việt Nam và bác sĩ chuyên khoa I nội nhi Đào Thị Yến Thủy - cố vấn cao cấp chuyên khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc.

- Trước đây khi chưa bệnh cảm cúm bác sĩ hay cho dùng kháng sinh, nhưng như vậy sẽ không tốt cho trẻ, tôi nghe nói có thể sử dụng lợi khuẩn để phòng trị cảm cúm, nhờ các bác tư vấn việc này có đúng không, và nó sẽ trị cúm thế nào? Tôi vẫn nghe nói nhiều về vấn đề này nhưng vẫn chưa tin tưởng. Cám ơn bác sĩ. (Thanh Hương, 32 tuổi, Quan 12)

- Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Tổng thư ký Chi hội Tiêu hoá Gan mật Dinh dưỡng Nhi Việt Nam:

Chào bạn,

Đúng là những trường hợp cảm cúm do siêu vi thì không cần dùng kháng sinh. Việc phòng ngừa để cảm cúm đừng xảy ra là rất quan trọng. Có nhiều biện pháp phòng ngừa như bú mẹ hoàn toàn, chủng ngừa đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý, giữ gìn vệ sinh cá nhân... Tuy nhiên, gần đây, với sự phát triển của y học, có nhiều cách tăng cường sức để kháng để chủ động phòng bệnh và một trong số đó là  hỗ trợ phát triển hệ vi sinh đường ruột. Đó là lý do bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp phòng ngừa cảm cúm là vậy.

Phó giáo  sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) và bác sĩ chuyên khoa I nội nhi Đào Thị Yến Thủy tại tòa soạn VnExpress. Ảnh: Tuấn Nhu

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) và bác sĩ chuyên khoa I nội nhi Đào Thị Yến Thủy tại tòa soạn VnExpress. Ảnh: Tuấn Nhu

- Tôi tên Dũng, con tôi mới 24 tháng cháu hay cảm nhảy mũi vào buổi sáng. Bác sĩ tư vấn giúp chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng cho bé? cảm ơn bác sĩ. (Dũng, 35 tuổi, Bình Tân)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Có một số biện pháp dinh dưỡng như sau sẽ giúp tăng cường đề kháng và giảm cảm cúm:

- Bú mẹ hoàn toàn ít nhất sáu tháng, sau đó tiếp tục đến hai tuổi.

- Ăn dặm từ sáu tháng tuổi và chế độ ăn đa dạng.

- Hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột bằng cách ăn uống những thức ăn có lợi khuẩn, như sữa chua, sữa chua uống men sống, các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn hàng ngày đường uống...

Ở độ tuổi con bạn, việc bổ sung lợi khuẩn hàng ngày là một điều cần thiết.

- Thưa bác sĩ, con tôi được 8 tháng tuổi dù rất ít khi ra khỏi nhà nhưng lại hay bị cảm cúm sổ mũi. Mỗi lần bệnh tôi không dám cho uống kháng sinh nên phải mất nửa tháng mới hết hẳn. Có cách nào để hạn chế tối đa cảm cúm cho độ tuổi này không ạ? (Ngoc Anh, 28 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Cố vấn cao cấp chuyên khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc:

Bé 8 tháng tuổi vẫn có thể bị cảm cúm hoặc là viêm hô hấp trên do bị người lớn hoặc trẻ lớn trong nhà lây nhiễm, nhiễm trùng từ môi trường, nhà ở...

Việc sử dụng kháng sinh cần có ý kiến của bác sĩ, chỉ định khi có tình trạng nhiễm vi trùng (sốt, mũi xanh vàng - đặc, ho có đờm, họng có mủ...). Khi trẻ bị cảm cúm (sốt, chảy nước mắt, sổ mũi nước trong, ho khan, đau nhức cơ thể...), viêm hô hấp do virus khác (sốt, chảy mũi nước trong, ho khan...) thì không cần sử dụng kháng sinh.

Trong độ tuổi này, bạn cần cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ (nếu còn), dinh dưỡng đầy đủ, chú trọng lượng thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, tôm, đậu hũ... đạt 30-50gr mỗi ngày (chia 2 bữa bột - cháo); trái cây tươi hàng ngày để cung cấp vitamin C. Khi bé trên một tuổi có thể sử dụng sữa chua giàu men vi sinh sẽ hạn chế được tình trạng cảm cúm. 

Ngoài ra, bạn cần giữ vệ sinh môi trường, cá nhân, cách ly người bệnh, chích ngừa đầy đủ... để bảo vệ trẻ.

- Con tôi 2 tuổi, bé đã đi mẫu giáo. Mùa này các bạn trong trường hay bị cảm cúm. Có cách nào để con tôi không bị lây (tôi không thể cho cháu nghỉ học được vì không ai trông). (Le Van, 33 tuổi, 113/19/15 trần văn đang, quận 3)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Đúng là độ tuổi bắt đầu đi học bé thường hay bị bệnh cảm vặt. Phần lớn do siêu vi gây ra và không nặng nề, thậm chí cứ mỗi lần bệnh như vậy là xem như một lần "chủng ngừa" sẽ giúp bé trưởng thành hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, nếu bệnh xảy ra quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc ăn uống của bé cũng như sinh hoạt của gia đình, vì vậy phòng ngừa để giảm thiểu số lần bị cảm cúm là việc cần làm.

Bạn cố gắng cung cấp dinh dưỡng cho bé đầy đủ, ăn đa dạng các loại thực phẩm, chủng ngừa đầy đủ theo tuổi, giữ gìn vệ sinh cá nhân (rửa tay trước và sau khi ăn, ăn chín uống sạch...). Mỗi khi bé bị cảm cúm, bạn nên cho bé nghỉ ở nhà để tiện chăm sóc cũng như tránh lây lan cho các bé khác.

- Bé nhà em nay được 26 tháng, cân nặng 11,5kg hay bi sổ mũi sốt, ho, mắt ngủ dậy ra nhiều ghèn hầu như một tháng hai lần, mỗi lần từ 7-10 ngày ngưng uống kháng sinh lại bị nữa? Mong bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và nguyên nhân cũng như cách chữa trị. (Tran van Thành, 33 tuổi, Biên Hòa -đồng Nai)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Bé 26 tháng, nặng 11,5kg là bị thiếu 1 kg nhưng chưa suy dinh dưỡng. Bé hay bị bệnh nhiễm trùng hô hấp và mắt có lẽ do sức đề kháng kém hoặc môi trường sống của bé dễ bị ô nhiễm ví dụ nhà ở ẩm thấp, môi trường nhà trẻ nhiều trẻ bệnh, vệ sinh cá nhân kém, thiếu chủng ngừa…

Bạn cần tăng cường dinhh dưỡng cho trẻ ăn ngày 3 bữa, mỗi bữa một chén cháo, bún hoặc nửa chén cơm và 600-800ml sữa (sữa bột hoặc sữa tươi nguyên kem có ít đường) và sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomai, bánh flan, váng sữa… Nên ăn 2 loại trái cây tươi hàng ngày để có vitamin C tăng sức đề kháng. Trong bữa ăn chính, lượng đạm như thịt, cá, tôm, trứng… khoảng 50g mỗi bữa (ăn cả xác - cái của thực phẩm). Nhớ thêm dầu ăn (dầu mè, đậu nành, oliu) 1-2 muỗng canh vào cháo, nui, chén canh của trẻ mỗi bữa ăn.

Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng men vi sinh sống hàng ngày có tác dụng làm tăng cường tiêu hóa hấp thu thức ăn giúp ăn ngon và tăng cân, cải thiện rối loạn tiêu hóa, tăng miễn dịch giúp bé giảm cảm cúm và giảm bệnh nhiễm trùng khác.

Chú ý cho bé đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ, vệ sinh môi trường sống, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chin uống sôi, cách ly người bệnh… để đề phòng nhiễm bệnh.

Việc dùng kháng sinh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

dinh-duong-hop-ly-giup-phong-dieu-tri-cam-cum-cho-tre-1
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy. Ảnh: Tuấn Nhu

- Chào bác sĩ, bé nhà tôi nay được 3 tuổi. Ăn uống tốt, thể trạng phát triển đều và có vẻ nhỉnh hơn một số bé hàng xóm nhưng không hiểu sao những lúc giao mùa lại dễ mắc cúm hơn. Liệu có cần bổ sung thêm thực phẩm gì hay có cách nào giúp bé nhà tôi tăng cường sức khỏe để có đề kháng tốt hơn không? Nhờ bác sĩ chỉ giúp, cảm ơn bác sĩ. (Thuy Linh, Quan 2)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Đúng như bạn nhận xét, thể trạng tốt chưa chắc sức đề kháng mạnh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ như lúc nhỏ sinh thường hay sinh mổ, có bú mẹ hay không, tiền căn gia đình có dễ dị ứng hay không, dinh dưỡng có đa dạng các loại thực phẩm hay không...

Ngày nay, nhắc đến hệ miễn dịch là nhắc đến đường ruột vì trong ruột có rất nhiều hạch, là nơi sản xuất 70-80% các tế bào miễn dịch của cơ thể. Vậy một đường ruột khỏe mạnh sẽ góp phần giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngược lại. Việc bổ sung lợi khuẩn (vi khuẩn có lợi) sẽ giúp các hạch sản xuất tế bào miễn dịch hiệu quả hơn, từ đó giúp tăng cường đề kháng, ngăn ngừa cảm cúm cho trẻ.

- Tôi được biết có một loại vắc xin ngừa cảm cúm. Vậy thì trẻ nhỏ có tiêm vắc xin này được không? Vắc xin có tác dụng thế nào? Có giúp trẻ tránh được các bệnh cảm cúm trong thời điểm giao mùa này không? (Le Vy, 28 tuổi, Quan 12)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Đúng là có vắc xin phòng ngừa cảm cúm, nhưng chỉ là ngừa cúm mùa và chỉ có hiệu quả bảo vệ trong một năm. Do vậy, chúng ta phải chích hàng năm. Trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên đã có thể chích được vắc xin này.

Tuy nhiên, đây chỉ là bảo vệ ngắn hạn và phải chích hàng năm đến suốt đời. Đây là một việc rất khó thực hiện. Song song với chích vắc xin, việc tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên là quan trọng hơn. Sinh thường, bú mẹ, dinh dưỡng đầy đủ đa dạng và gần đây việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột... là các biện pháp căn cơ, dễ làm, có hiệu quả bền vững lâu dài.

- Thưa chuyên gia, các hoạt động nào giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng ngừa cảm cúm. Xin cám ơn! (Trúc, 35 tuổi, Hcm)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Các hoạt động thể lực như chạy nhảy, thể dục thể thao đều giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cảm cúm.

Cha mẹ cần lựa chọn môn thể thao phù hợp với từng độ tuổi và sở thích của trẻ (đạp xe đạp, nhảy dây, chơi cầu lông, đá banh, tennis...), vận động tích cực, vừa sức, sao cho khi tập trẻ tăng nhịp thở - nhịp tim, ra mồ hôi, mặt hồng hào, nói ngắt quảng... nhưng khi nghỉ 15 phút thì trẻ sẽ trở lại bình thường. Thời gian tập từ 30-45 phút một ngày, ít nhất 5 ngày một tuần. Nên lựa chọn hai môn thể thao khác nhau để vận dụng được nhiều loại cơ xương khớp khác nhau trong cơ thể.

Ngoài ra, vận động còn giúp trẻ phát triển chiều cao, cơ bắp và tăng cường thể lực.

- Chào bác sĩ, bé nhà em 39 tháng tuổi nặng 14,8kg, cao 102cm có bị suy dinh dưỡng không ạ? Bé bị ho sổ mũi màu vàng, trắng không sốt em cho uống siro ho có được không? Bé ho nhiều và thường cứ khỏi được tháng lại bị lại, cho uống siro ho nhiều có tốt không ạ?  (Vũ Thị Thu Trang, 27 tuổi, 523A Đỗ xuân hợp, p.phươc long B Quận 9)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Bé 39 tháng cân 14,8 kg là đạt tiêu chuẩn, cao 102 cm là cao hơn chuẩn, không bị suy dinh dưỡng, nhưng quan trọng là bé cần tăng cân và tăng cao đều đặn mỗi tháng mới chứng tỏ dinh dưỡng đầy đủ. Bé bị bệnh nhiễm trùng hô hấp có mũi vàng và ho thì nên cho bé đi khám bác sĩ để được điều trị thích hợp. Việc uống sirô ho cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Nói chung chỉ dùng thuốc khi cần thiết, dùng thuốc nhiều quá tất nhiên là không tốt.

Thân mến.

- Thưa bác sĩ, tôi thường hay dùng kháng sinh cho con lúc bé bệnh nhưng biết dùng nhiều không tốt nên rất muốn tìm hiểu việc bổ sung lợi khuẩn cho bé. Bác sĩ tư vấn giúp tôi là lợi khuẩn thì trẻ bao nhiêu tuổi sử dụng được, liều lượng thế nào hay cứ dùng càng nhiều lợi khuẩn thì càng tốt ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Duong, Quan 3)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Đúng như bạn nói, việc bổ sung lợi khuẩn sẽ giúp tăng cường đề kháng, bé ít bị cảm vặt. Tuy nhiên, không phải lợi khuẩn nào cũng làm được chuyện đó. Chỉ những lợi khuẩn được chứng minh thông qua các nghiên cứu thực hiện nghiêm túc mới đáng tin cậy và sử dụng.

Ví dụ, một loại lợi khuẩn đã được nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam là CHR.HANSEN L. CASEI 431 trong việc phòng ngừa cảm cúm. Trải qua hai năm tiến hành, việc bổ sung lợi khuẩn trên đã chứng minh giúp rút ngắn thời gian bị cảm cúm và bệnh cảm thông thường tù 8,1 ngày xuống còn 4,8 ngày. Ngoài ra, những cá thể sử dụng lợi khuẩn này trong nghiên cứu cũng cho thấy giảm tần suất sử dụng kháng sinh từ 38 lần xuống còn 22 lần và giảm sử dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe từ 28% xuống còn 22%.

dinh-duong-hop-ly-giup-phong-dieu-tri-cam-cum-cho-tre-2
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Tuấn Nhu

- Hiện nay tôi thấy có nhiều sản phẩm công bố có chứa lợi khuẩn giúp tăng đề kháng, bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi nên dùng loại lợi khuẩn nào là tốt nhất, đặc biệt là cho trẻ em? (Huệ, Quan 3)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Loại lợi khuẩn "tốt nhất" là lợi khuẩn đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên nhiều đối tượng, độ tuổi, quốc gia và đã chứng minh được hiệu quả rõ ràng. Hiện có một số lợi khuẩn thỏa được tiêu chuẩn trên.

Tôi xin đơn cử một trong số đó là chủng lợi khuẩn CHR. HANSEN L. CASEI 431 đã được sử dụng trên toàn thế giới từ 1995 và có hơn 20 nghiên cứu lâm sàng, được thực hiện từ trẻ sơ sinh đến người lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủng lợi khuẩn này được nhắc đến trong hơn 80 ấn phẩm khoa học uy tín.

Từ 8/2015 đến 2/2016, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam - Bộ Y tế đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng hiệu quả của sữa chua uống chứa lợi khuẩn trên. Kết quả cho thấy đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ và số ngày mắc cúm. Ngoài ra, những người tham gia nghiên cứu có sử dụng chủng lợi khuẩn này cũng giảm nguy cơ táo bón, số lượng trẻ bị sống phân hay tiêu chảy cũng ít hơn.

- Chào bác sĩ, bé nhà tôi nay được 3 tuổi. Ăn uống tốt, thể trạng phát triển đều và có vẻ nhỉnh hơn một số bé hàng xóm nhưng không hiểu sao những lúc giao mùa lại dễ mắc cúm hơn. Liệu có cần bổ sung thêm thực phẩm gì hay có cách nào giúp bé nhà tôi tăng cường sức khỏe để có đề kháng tốt hơn không? Nhờ bác sĩ chỉ giúp, cảm ơn bác sĩ. (Minh Thư, 34 tuổi, quan 7)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Bé hay bị bệnh nhiễm trùng hô hấp có thể do sức đề kháng kém hoặc môi trường sống của bé dễ bị ô nhiễm ví dụ nhà ở ẩm thấp, môi trường nhà trẻ nhiều trẻ bệnh, vệ sinh cá nhân kém, thiếu chủng ngừa…

Bạn cần chú ý dinh dưỡng cho trẻ đủ lượng và chất, trong đó chú trọng các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm, trứng… khoảng 50g mỗi bữa, nên ăn hai loại trái cây tươi hàng ngày để cung cấp đủ lượng vitamin C. 

Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua uống men sống hàng ngày có tác dụng làm tăng cường tiêu hóa hấp thu thức ăn giúp ăn ngon và tăng cân, cải thiện rối loạn tiêu hóa, tăng miễn dịch giúp bé giảm cảm cúm và giảm bệnh nhiễm trùng khác.

Chú ý cho bé đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ, vệ sinh môi trường sống, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, cách ly người bệnh… để đề phòng nhiễm bệnh.

Ngoài ra, bạn nên cho con tăng cường vận động thể lực, chơi thể thao hàng ngày, ngủ sớm và đủ giấc để trẻ tăng cường sức đề kháng, tăng trưởng chiều cao.

- Bé nhà em nay được 26 tháng, cân nặng 11,5 kg hay bị sổ mũi sốt, ho, mắt ngủ dậy ra nhiều ghèn hầu như một tháng hai lần, mỗi lần từ 7-10 ngày ngưng uống kháng sinh lại bi nữa? Mong bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và nguyên nhân cũng như cách chữa trị. (THanh Hải, 35 tuổi, Quan 1)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Triệu chứng của bé giống như bị nhiễm siêu vi (dân gian hay gọi là cảm). Mỗi tháng đều bị 1-2 lần là nhiều. Có nhiều lý do làm bệnh xảy ra hoài không dứt như sức đề kháng bé bị yếu, hoặc bé bị suy dinh dưỡng, hoặc các bệnh lý kèm theo như trào ngược dạ dày - thực quản, viêm hạch VA, cơ địa dị ứng... Bạn nên cho bé đi khám xem có các tình trạng đó kèm theo hay không, để điều trị dứt điểm hầu giúp bé khỏi bệnh hẳn.

- Con tôi 5 tuổi, bé trai, những lúc thay đổi hơi thời tiết, giao mùa là hai cháu hay bị hắt hơi, sổ mũi, nhất là những lúc trời lạnh mưa. Tôi nghĩ là cảm cúm ở trẻ nhưng cháu nhà tôi bị khá thường xuyên, cứ trời mưa, gió giao mùa rất hay bệnh. Tôi cũng thường xuyên rửa tay cho các cháu, vệ sinh sạch sẽ nhưng cũng không thay đổi nhiều, cho tôi hỏi có cách nào phòng ngừa cảm cúm hiệu quả không? Tôi rất ngại khi cháu bị cúm bì toàn phải uống khánh sinh. (Diễm Khanh, 36 tuổi, Quận 7)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Mối quan tâm của bạn cũng là quan tâm chung của nhiều phụ huynh khác. Bạn đã làm tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé, tuy nhiên tình trạng cảm cúm còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sức đề kháng của bản thân bé, cơ địa bé có dễ dị ứng hay không, môi trường sống nhu thế nào... Chúng ta nên cải thiện dần các yếu tố trên mới mong bé ít bị cảm như hiện nay.

Nói riêng về tăng cường đề kháng, chúng ta có nhiều biện pháp như cho bé bú mẹ hoàn toàn khi còn bé, dinh dưỡng đầy đủ, chủng ngừa theo đúng lịch theo tuổi và đặc biệt là "huấn luyện" cơ quan miễn dịch của bản thân cho tốt. Một trong những cách cải thiện hệ miễn dịch là bổ sung các lợi khuẩn bằng men vi sinh, nhờ đó hệ miễn dịch của cơ thể (vốn có rất nhiều trong đường ruột) sẽ trưởng thành và hoạt động hiệu quả hơn trong việc bảo vệ cơ thể.

- Chào bác sĩ, tôi nghe nói có thể phòng ngừa cảm cúm bằng cách sử dụng sữa chua uống men sống chứa lợi khuẩn để tăng sức đề kháng nên thường mua Vinamilk Probi cho con uống. Vậy thông tin này có đúng không thưa bác sĩ, nếu dùng được thì liều lượng dùng thế nào là hợp lý? (Thanh Nhật, 28 tuổi, Quan 1)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Từ tháng 8/2015-5/2016, Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam có tiến hành một thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của sữa chua uống men sống trên (chứa chủng Lactobacillus paracasei - L. casei 431) lên tình trạng dinh dưỡng và cảm cúm ở trẻ 2-5 tuổi tại một số xã ở tỉnh Hải Dương. Kết quả cho thấy nhóm sử dụng sữa chua uống men sống 5 ngày một tuần trong 12 tuần giảm đáng kể tỷ lệ cảm cúm và số ngày mắc cúm so với nhóm không uống.

Vì vậy, bạn có thể cho trẻ dùng sữa chua uống men sống trên hàng ngày hoặc cách ngày, 1-2 hủ mỗi ngày.

dinh-duong-hop-ly-giup-phong-dieu-tri-cam-cum-cho-tre-3

- Tôi đang nuôi hai cháu với phương châm không dùng kháng sinh, cả trong thức ăn hàng ngày và thuốc. Tuy nhiên, mỗi khi cảm cúm bác sĩ đều kê kháng sinh, tôi muốn hỏi có cách nào điều trị cảm cúm không dùng kháng sinh không? Tôi có nghe nói có thể dùng các sản phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua uống men sống Vinamilk Probi, như vậy có đúng không? Cám ơn bác sĩ. (Vương Linh, 27 tuổi, Quan 1)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Cảm cúm thường do siêu vi gây ra nên việc điều trị không cần kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp cảm cúm bị bội nhiễm thêm với vi khuẩn thì phải dùng kháng sinh. Những trường hợp cảm cúm thông thường chỉ cần điều trị hỗ trợ như hạ sốt, giảm ho, uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dinh dưỡng...

Việc sử dụng lợi khuẩn nhằm phòng ngừa chứ không phải điều trị. Loại sữa chua uống men sống mà bạn đề cập ở trên đã được nghiên cứu tại Việt Nam bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Kết quả cho thấy những người sử dụng sữa chua uống men sống trên sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc cảm cúm và khi chẳng may bị cảm, số ngày mắc bệnh cũng ngắn hơn.

- Em có 2 trai bé sinh đôi, giờ được gần 4 tháng tuổi. Thỉnh thoảng 2 bé vẫn hay sốt nhẹ và khò khè, sổ mũi nhưng vài ngày đến tuần lại tự hết. Em có nên đưa bé đi bác sĩ nếu tình trạng trên tiếp diễn không ạ. Và cách phòng bệnh cho bé nếu chẳng may 1 bé bị cúm, em sợ lây bé còn lại. Em xin cảm ơn bác sĩ. (hoang trung, 30 tuổi, quân 7)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Mỗi khi hai bé sốt nhẹ, khò khè, sổ mũi mà vẫn bú tốt, trông có vẻ khỏe khoắn thì không cần đi khám bác sĩ. Chúng ta nên đưa bé đi khám khi bé có các dấu hiệu như sốt cao, bỏ bú, nôn mọi thứ, co giật hoặc phụ huynh có cảm giác bé không khỏe.

Cảm cúm thường do siêu vi gây ra nên lây lan rất dễ. Nếu trong gia đình có một người bị cảm cúm thì nhiều khả năng các thành viên khác cũng sẽ bị lây. Việc chăm sóc hai bé sinh đôi bình thường đã khó khăn thì khi có một bé bị cảm lại càng khó khăn gấp bội. Để giảm thiểu khả năng lây lan cho bé còn lại, chúng ta nên cách ly bằng cách cho hai bé ở hai phòng khác nhau, hai người chăm sóc khác nhau, hoặc nếu một người chăm sóc hai bé thì phải rửa tay sạch sẽ khi chuyển từ bé này sang bé kia. Ngoài ra, trong khi bệnh, các bé cần được duy trì dinh dưỡng đầy đủ để mau chóng hết bệnh.

- Thưa bác sĩ!
Em có ba cháu, cháu lớn 6 tuổi, cháu thứ hai được 4,5 tuổi, cháu thứ ba 2 tuổi.
Cứ giao mùa các cháu dễ bị ho, sốt, chảy nước mũi... Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho các bé trong những thời điểm giao mùa như thế nào để có cơ thể khỏe mạnh?
(NGUYỄN THỊ TRANG, 33 tuổi, Dương Hồi, Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Vào thời điểm giao mùa khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại thì trẻ nhỏ dễ bị mắc bệnh về nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa, hen suyễn dị ứng... Đặc biệt, khi thời tiết nóng bức các loại vi trùng sẽ phát triển mạnh làm tăng tỷ lệ bị ngộ độc thực phẩm, viêm mũi - họng, Amidan, tiêu chảy nhiễm trùng gia tăng. Vào mùa lạnh, các loại virus sẽ phát triển mạnh gây ra cảm cúm, viêm hô hấp trên, hen suyễn dị ứng, tay chân miệng... Mùa mưa thì các bệnh lý do muỗi đốt như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, virus Zika... sẽ gia tăng.

Để phòng bệnh cho trẻ, bạn cần tăng cường dinhh dưỡng cho trẻ đủ lượng và chất. Bữa chính cần có đủ 4 nhóm thực phẩm, đảm bảo lượng đạm như thịt, cá, tôm, trứng… khoảng 30-90g mỗi bữa tùy độ tuổi (ăn cả xác - cái của thực phẩm) trong 3 bữa chính mỗi ngày.

Bạn nên thay đổi đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, cho trẻ ăn 2 loại trái cây tươi hàng ngày để có vitamin C tăng sức đề kháng. 

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng men vi sinh sống hàng ngày làm tăng cường tiêu hóa hấp thu thức ăn, cải thiện rối loạn tiêu hóa, tăng miễn dịch giúp bé giảm mắc các bệnh nhiễm trùng.

Chú ý cho bé đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ, vệ sinh môi trường sống, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chin uống sôi, cách ly người bệnh… để đề phòng nhiễm bệnh.

dinh-duong-hop-ly-giup-phong-dieu-tri-cam-cum-cho-tre-4
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy. Ảnh: Tuấn Nhu

- Tôi có con gái 4,5 tuổi 2 ngày nay cứ đêm đi ngủ là cháu bị sốt. Ban ngày thì chơi, ăn, uống bình thường. Xin tư vấn giúp tôi. (Phan văn nam, 36 tuổi, Bình dương)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Theo thông tin bạn kể, có thể bé chỉ bị cảm nhẹ (nhiễm siêu vi). Nếu bé vẫn ăn uống tốt, vui chơi bình thường thì không cần đi khám bác sĩ. Bạn nên cho bé uống nhiều nước và theo dõi nhiệt độ của bé. Nếu bé sốt trên ba ngày hoặc sốt cao hơn hay giảm chơi, ăn uống ít, nên cho bé đi khám.

- Nếu trẻ có biểu hiện cảm cúm lâu ngày không khỏi thì cách tốt nhất là làm gì vậy ạ bác sĩ? (Thịnh, 25 tuổi, VINH)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Cảm cúm thường do siêu vi gây ra và tự khỏi sau 5-7 ngày. Nếu cảm cúm kéo dài hoặc tái đi tái lại thường xuyên có thể có nhiều yếu tố tác động vào như sức đề kháng suy yếu, suy dinh dưỡng, cơ địa dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, sống gần nguồn lây liên tục... Vậy, bạn nên đưa bé đi khám để xác định yếu tố nào làm bé cảm cúm lâu ngày để có hướng điều trị hợp lý, giúp bé mau hết bệnh.

- Khi cơ thể trẻ mệt mỏi, có các triệu chứng của cảm cúm thì có phải bổ sung nhiều vitamin C (nước cam) sẽ giúp trẻ tăng đề kháng, không bị cảm cúm không? Cám ơn bác sĩ! (Nguyễn Phú, 28 tuổi, Quan 5)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Rất nhiều người nghĩ rằng khi bị cúm mà bổ sung vitamin C sẽ giúp tăng cường đề kháng và mau hết bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu rộng rãi cho thấy việc bổ sung vitamin C hàng ngày (tức là trước khi bị bệnh) mới có hiệu quả phòng ngừa cảm cúm. Vậy bạn nên áp dụng biện pháp "Phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Ngày nay với sự phát triển của y học, bổ sung lợi khuẩn đường ruột là một biện pháp đã được chứng minh tăng cường sức đề kháng bằng cách tăng sản sinh kháng thể IgA, tăng số lượng và chức năng tế bào miễn dịch, tạo màng chắn ngăn cản vi khuẩn, virus gây bệnh.

- Chào bác sĩ, bé trai nhà tôi 25 tháng tuổi, cháu ngủ thở hay khò khè từ lúc còn nhỏ và ngủ không ngon giấc hay lăn qua lăn lại và khóc đêm. Khi ngủ cháu hay đổ mồ hôi đầu. Hiện cháu bị viêm phế quản và viêm hô hấp trên, viêm họng, đi khám bác sĩ chuyên khoa và uống thuốc nhưng vẫn không bớt hẳn mà hay bị lại. Vậy bé có thể dùng thực phẩm hay uống thuốc bổ nào để tăng cường sức khỏe. (lê thị thùy dương, 36 tuổi, Quận 7)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Do không biết bé nhà mình cân nặng và chiều cao bao nhiêu để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, vì nếu con suy dinh dưỡng hay ăn uống thiếu chất sẽ bị giảm sức đề kháng và dễ bị bệnh. Ngoài ra bé hay khóc đêm, ngủ không ngon giấc có thể do bé bị thiếu canxi (do uống thiếu sữa, bé 25 tháng cần uống khoảng 600-800ml sữa hàng ngày), và hoặc thiếu vitamin D (do thiếu tắm nắng - không đủ 20 phút mỗi ngày hoặc ăn thiếu dầu mỡ). Bé hay khò khè, viêm phế quản, viêm mũi họng… cũng có thể có tình trạng dị ứng, hen suyễn cơ địa gây ra. Vì vậy chị nên cho bé đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc dinh dưỡng để chẩn đoán chính xác hơn và có điều trị phù hợp.

Bạn nên cho bé ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm hàng ngày. Nếu bé dị ứng thức ăn có thể phải kiêng khem tạm thời hoặc vĩnh viễn các thức ăn bị dị ứng đã xác định. Có thể cho bé sử dụng thêm men vi sinh để tăng cường sức đề kháng.

Việc sử dụng thêm thuốc bổ bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

- Bé nhà em nay được 4 tháng 26 ngày tuổi. Có đi chích ngừa tại bệnh viện gia định. Sắp tới bé có chích ngừa mũi cúm. Em không biết nên chích vào luc bé 5 tháng hay 6 tháng là tốt vậy bác. Và mũi này chích nhắc lại sao ạ. Em cảm ơn. (Trần Thị Băng Trinh, 24 tuổi, 92/7c xo viet nghe tinh p21 bình thạnh tphcm)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Vắc xin cúm chỉ được chích từ 6 tháng tuổi, do đó bạn phải chờ cho bé đủ 6 tháng mới chích. Vắc xin này phải được nhắc lại mỗi năm.

- Những nguyên nhân nào gây ra bệnh cảm cúm? (Nguyen Nhat Thanh, 45 tuổi, sô 2 nam kỳ khởi nghĩa)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Cảm cúm thường do siêu vi gây ra. Cảm (common cold) là dạng nhẹ, người bệnh thường sốt nhẹ, sổ mũi, ho, cảm giác mệt mỏi và thường tự hết sau 5-7 ngày. Cúm (flu) là dạng nặng hơn, người bệnh thường sốt cao liên tục, đau nhức cơ thể, sổ mũi và ho nhiều, thậm chí viêm phổi, gây khó thở và thường hết sau 10-14 ngày.

Vì do siêu vi gây ra nên hầu hết cảm cúm không cần sử dụng kháng sinh mà chỉ cần chăm sóc, hỗ trợ như: hạ sốt, giảm ho, bù đủ dịch, dinh dưỡng dễ tiêu và nghỉ ngơi.

Những trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não thì cần được chăm sóc đặc biệt.

- Chào bác sĩ, tôi có con nhỏ dưới một tuổi rất hay bị cảm cúm, mỗi lần bị cháu đều nghẹt mũi không thở được nên rất quấy. Trong nhà có ngâm chanh đào - mật ong, liệu tôi có thể cho con uống loại nước này được không ạ. Hoặc có cách nào phòng bệnh tốt cho lứa tuổi này không bác sĩ? (Huyền Anh, 28 tuổi, Go Vap, TP HCM)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn, 

Nước ngâm chanh đào - mật ong có thành phần chủ yếu là nước và đường nên không giúp trẻ tăng sức đề kháng. Lượng vitamin C trong quả chanh đào khi ngâm như vậy không còn bao nhiêu. Trẻ nhỏ dưới một tuổi cũng không thể ăn được vỏ quả chanh đào - chứa tinh dầu, enzym - thành phần giúp kháng viêm. Do vậy, việc sử dụng nước ngâm chanh đào - mật ong sẽ không giúp ích gì cho trẻ.

Nếu còn bú sữa mẹ bạn nên tăng cường cho trẻ bú thường xuyên, chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để trẻ không bị suy dinh dưỡng, ăn trái cây tươi hàng ngày (nước cam, chanh, chuối, đu đủ, bơ, xoài...). Nếu trong gia đình có người bệnh thì cần mang khẩu trang hoặc cách ly người bệnh để không bị lây sang trẻ.

- Tôi tên là Lập, xin bác sĩ cho biết nếu ngủ máy lạnh có bị cúm không ạ? Con nhà tôi năm nay 7 tuổi ạ. Cảm ơn bác sĩ. (Phước Lập, 28 tuổi, Tân Bình)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Việc nằm máy lạnh không gây ra cảm cúm nhưng có thể góp phần gây cảm cúm. Nếu máy lạnh lâu ngày không được chùi rửa vệ sinh sẽ là một ổ vi sinh, có thể gây bệnh. Ngoài ra, khi cơ thể vừa chớm nhiễm cúm thì việc nằm máy lạnh với nhiệt độ thấp có thể làm triệu chứng nặng hơn.

dinh-duong-hop-ly-giup-phong-dieu-tri-cam-cum-cho-tre-5
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Tuấn Nhu

- Em có cậu con trai 5 tuổi, do lúc nhỏ sinh thiếu tháng nên rất hay ốm vặt. Em lại không muốn cho bé dùng thuốc kháng sinh. Nên khi thấy được thông tin Vinamilk Probi giúp ngăn ngùa cảm cúm. Nhưng em chưa hiểu bằng cách nào uống sữa chua men sống lại giúp giảm tỷ lệ và nguy cơ cảm cúm ạ? (Ngọc Minh, 34 tuổi, Hà Giang)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Trẻ sinh thiếu tháng, sinh mổ, sinh ra không được bú mẹ... là các đối tượng dễ bị ốm vặt. Việc không dùng kháng sinh và muốn phòng ngừa bệnh một cách chủ động là tốt.

Cơ chế chung của các loại lợi khuẩn giúp giảm tỷ lệ và nguy cơ cảm cúm là nhờ vào việc chúng hỗ trợ sự trưởng thành của hệ miễn dịch, bằng cách tăng cường huấn luyện và sản xuất các kháng thể tại chỗ, tăng chức năng và sản xuất tế bào miễn dịch. Những hoạt động trên giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, từ đó giúp ngăn ngừa cảm cúm.

- Nhờ bác sĩ cho biết có phải khi trẻ chuyển sang mũi xanh là dấu hiệu phải uống kháng sinh hay không? (Phan Nga, 24 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Ngay cả bác sĩ cũng có suy nghĩ như vậy và hay lấy triệu chứng nước mũi vàng hoặc xanh để sử dụng kháng sinh.

Nghiên cứu gần đây cho thấy sự đổi màu nước mũi từ trắng sang vàng hay xanh không phải là chỉ điểm của nhiễm trùng mà phải dựa vào những dấu hiệu đặc hiệu hơn như sốt cao, họng có mủ, amidan sưng to, thở mệt... để sử dụng kháng sinh.

- Thưa bác sĩ, con tôi 3 tuổi, sáng nào ngủ dậy cháu cũng hắc xì chảy mũi rất nhiều và bé còn thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nữa. Bổ sung sữa chua mỗi ngày có giúp bé cải thiện tình hình không? Và nếu cần bổ sung thì nên ăn, uống sữa chua vào thời điểm nào trong ngày là tốt. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Nga, 31 tuổi, Quận 2)

- Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn:

Chào bạn,

Hắc xì chảy mũi nhiều và rối loạn tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm VA, trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi dị ứng... Muốn xác định nguyên nhân nào thì phải cho bé đi khám để có hướng xử trí hợp lý.

Việc bổ sung sữa chua uống men sống mỗi ngày sẽ giúp bé tăng cường miễn dịch, tiêu hóa và giảm táo bón.

- Chào bác sĩ, con tôi được 16 tháng 16 ngày bé ăn uống tốt nhưng không lên cân và thường xuyên bị sổ mũi, ho và cháu còn bị thiếu máu nữa. Nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi làm thế nào để bé đỡ bệnh không? (Nguyễn Thị Tâm, 28 tuổi, tổ 2-khu 7-p>bãi CHáy-TP.Hạ Long-QN)

- Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy :

Chào bạn,

Bé 16 tháng tuổi có cân nặng trung bình khoảng 10kg, cao 80cm là đúng chuẩn. Độ tuổi này, mỗi tháng trẻ tăng khoảng 200g, 1-2cm là đạt yêu cầu tăng trưởng.

Trẻ ở độ tuổi này dễ bị thiếu máu do thiếu sắt vì trẻ ăn không đủ lượng thực phẩm giàu đạm, nhiều sắt như thịt cá, gan, huyết... hoặc là do mẹ không biết cách chế biến bữa ăn cho trẻ (chỉ cho ăn nước thịt - xương mà không biết băm nhỏ thịt cá cho vào chén cháo). Trẻ tuổi này, cần ăn mỗi ngày 3 chén cháo, bún. Trong mỗi chén cần có 30g thực phầm giàu đạm (tương đương hai muỗng canh đầy), 10-15ml dầu ăn. Trẻ cũng cần ăn đủ rau và trái cây để có vitamin C, giúp tăng cường hấp thu chất sắt trong thực phẩm. 

Ngoài ra, nếu trẻ ăn bữa chính ít bạn có thể bổ sung thêm các món ăn vặt như: sữa chua, bánh flan, váng sữa, phô mai, kem, chè...; uống đủ 600-800ml sữa mỗi ngày.

Ngoài ra, trẻ có thể bị thiếu máu do bị thiếu máu di truyền từ cha mẹ (bệnh Thalassemie - thiếu máu tan huyết bẩm sinh), thiếu máu do có tình trạng chảy máu rỉ rả từ đường tiêu hóa (dị ứng thức ăn, viêm loét đường tiêu hóa, nhiễm giun sán)...

Phát Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến