Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Dấu hiệu và cách phòng ngừa ung thư da mùa nắng

Mỗi năm có hơn 3,5 triệu trường hợp ung thư da được chẩn đoán ở Mỹ, hơn 90% trong số đó được gây ra bởi các tia cực tím của mặt trời. Do đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư da bằng cách hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với bức xạ tia cực tím. Phát hiện sớm ung thư da mang lại thành công lớn nhất cho điều trị.

Ung thư da là gì?

Ung thư da là sự tăng trưởng bất thường của tế bào da. Có ba loại chính của ung thư da là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.

Ung thư biểu mô tế bào đáy là loại nhẹ nhất, hiếm khi di căn và hiếm khi gây tử vong, có thể dễ dàng điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Ung thư biểu mô tế bào vảy thường gặp vùng da tiếp xúc với ánh nắng, biểu hiện vết loét, không đau, gồ lên hoặc lõm xuống, tiến triển chậm nhưng tương lai sẽ gây di căn.

Ung thư tế bào hắc tố là loại ung thư nguy hiểm, có thể xuất phát từ nốt ruồi đã có từ lâu. Dấu hiệu cảnh báo nốt ruồi chuyển thành khối u ác tính là nốt ruồi có sự thay đổi to hơn, không đối xứng, nhô cao, màu sắc không đồng nhất, xuất hiện của một nốt ruồi mới ở tuổi trưởng thành, đau, ngứa, lở loét, mẩn đỏ xung quanh hoặc chảy máu.

Ảnh minh họa: webmd

Hơn 90% các trường hợp ung thư da được gây ra bởi các tia cực tím của mặt trời. Ảnh minh họa: webmd

Nguyên nhân ung thư da

Bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính của ung thư da. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư da bao gồm:

- Màu da: Bất cứ người màu da nào cũng có thể bị ung thư da. Tuy nhiên ở những người da trắng, có ít sắc tố melanin bảo vệ da thì nguy cơ ung thư da cao hơn người có làn da sẫm màu.

- Da hay bị cháy nắng, phơi nắng quá mức.

- Nốt ruồi: Những người có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi bất thường có nguy cơ ung thư da. Những thay đổi về tính chất của nốt ruồi như hình dạng, máu sắc, nhô cao, kích thước… cần được chú ý và nên đi khám.

- Lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư da. Những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu như HIV / AIDS, bệnh bạch cầu, dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng có nguy cơ phát triển ung thư da.

- Lớn tuổi. Nguy cơ ung thư da tăng theo tuổi tác, chủ yếu là do ung thư da phát triển chậm. Các thay đổi ở da ung thư trong thời thơ ấu hay tuổi niên thiếu có thể không trở nên rõ ràng cho đến tuổi trung niên.

Phòng ngừa ung thư da

Hầu hết mọi người muốn tận hưởng tia nắng mắt trời trong ngày bởi sự ấm áp và nó có thể làm chúng ta thư giãn và sảng khoái tinh thần. Cần biết tận hưởng ánh nắng mặt trời một cách thông minh, khai thác tối đa tác dụng và hạn chế tác hại của chúng cho làn da theo các quy tắc:

- Hạn chế tiếp xúc tối đa với ánh nắng mặt trời trong thời gian 10h sáng đến 4h chiều, vì đây là thời điểm tia cực tím mặt trời mạnh nhất. Nên dành buổi sáng sớm và chiều tối để thưởng thức các hoạt động ngoài trời yêu thích.

- Quần áo che chắn có thể là hình thức hiệu quả nhất chống nắng. Kính mát bao quanh ngăn chặn 99-100% các tia cực tím và có hiệu quả bảo vệ cả hai mắt cũng như vùng da xung quanh, giúp ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng như đục thủy tinh thể để khối u ác tính của mắt và mí mắt.

Dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 và chỉ số PA hợp lý. Khi quan tâm đến ảnh hưởng của tia cực tím lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm hai phần chính:

- UVA tấn công vào sâu bên trong da, làm suy giảm hệ miễn dịch trên da, gây ung thư da, lão hóa da.

- UVB tấn công bề mặt da, gây đen da và sạm da.

Hai chỉ số trên kem chống nắng cần quan tâm là SPF và PA. Chỉ số SPF liên quan đến UVB (khả năng chống tác hại đen da, sậm da). Chỉ số PA liên quan đến việc bảo vệ da khỏi tia UVA (gây ung thư da, lão hóa da)

Chỉ số SPF

Khả năng bảo vệ da, hấp thu tia UVB của kem chống nắng là SPF 15 thì khả năng bảo vệ da dưới ánh nắng là 93,3%, còn SPF 30 thì con số này là 96,7%. SPF càng cao khả năng chống tác hại ánh nắng càng tốt, tuy nhiên SPF càng cao khả năng kích ứng da càng nhiều, trong khi từ SPF 15 trở lên thì sự chênh chệch về khả năng chống nắng không đáng kể.

Thời gian kem chống nắng bảo vệ da dưới tia UVB: 1 SPF có khả năng bảo vệ da, hạn chế tác hại của tia UV trong khoảng 10 phút. Theo nguyên tắc, chỉ số SPF càng cao thì khả năng bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời được lâu hơn. Như vậy SPF 15 thời gian kem bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời là 2h30, còn SPF 30 thì thời gian đó là 5h. Tuy nhiên do tác động của niều yếu tố như khí hậu, bụi bẩn, cách sử dụng kem, tính chất da từng cá thể cũng như đặc điểm của hoạt động ngoài trời khi sử dụng kem chống nắng nên hầu hết kem chống nắng chỉ phát huy được 50-60% thời gian thực tế trên lý thuyết.

Chỉ số PA

Là chỉ số nói lên khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA của kem chống nắng. PA+: Có hiệu quả chống tia UVA (mức độ 40-50%); PA++: Rất hiệu quả chống tia UVA (mức độ 60-70%) và PA+++: Hiệu quả chống tia UVA cao nhất (mức độ 90% trở lên).

Bôi kem chống nắng đúng cách

- Bôi 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng.

- Bôi lượng vừa đủ, ví dụ một lượng khoảng bằng ngón tay cái cho mặt và trọng lượng bằng quả banh tenis cho toàn thân.

- Bôi lại sau mỗi hai giờ hoặc sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi quá mức.

- Sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, quanh năm, trong mọi loại thời tiết vì ánh sáng mặt trời phản chiếu trên tuyết, nước đá, cát và nước, tăng cường hiệu ứng tia cực tím lên đến 80%. Thậm chí vào những ngày u ám, nhiều mây, râm mát thì có đến 70-80% của tia cực tím đi qua các đám mây.

Bác sĩ Lê Nguyễn Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến