Cháu Chi Mai, 3 tháng tuổi, ở Hà Nội, nhập viện ngày 8/4 trong tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực... Trước đó 10 ngày, trẻ ho, sốt và được bác sĩ phòng khám tư chẩn đoán là viêm tiểu phế quản. Uống thuốc theo chẩn đoán này, trẻ có dấu hiệu nặng hơn, sốt cao, khó thở và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, phụ trách khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, bé vào viện với các dấu hiệu ho gà khá rõ ràng như khó thở, rút lõm lồng ngực, phổi ran rít, ho thành cơn sặc sụa, tím tái trong cơn ho... Trẻ nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi, hít khí NO, sau đó được thay máu nhưng tình trạng vẫn nặng hơn, huyết áp tụt, có dấu hiệu ngừng tim phải ép tim.
Sau khi được cho dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, huyết áp, nguy cơ tử vong của bệnh nhân vẫn rất cao. Các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp cuối cùng là kỹ thuật màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (hay còn gọi là ECMO). Sau 12 ngày được hỗ trợ ECMO tại khoa Hồi sức Ngoại, hiện tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, tình trạng nhiễm khuẩn giảm dần.
Hai bệnh nhi bị biến chứng ho gà nặng đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly, khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Khánh Chi. |
Trường hợp thứ hai là cháu Đăng Linh, 2 tháng tuổi, ở Hòa Bình. Trẻ nhập Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã có dấu hiệu sốc, suy hô hấp nặng. Bệnh nhi được điều trị thở máy, chống sốc, sử dụng thuốc trợ tim, thuốc điều trị tăng áp phổi, thay máu và hội chẩn cấp cứu chỉ định kỹ thuật ECMO. Cháu Linh đang được hỗ trợ ECMO với tiến triển tốt.
Theo Thạc sĩ Trịnh Xuân Long, Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, phương pháp ECMO (ExtraCorporeal Membrane Oxygenation) sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống cho các bệnh nhân suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây là tia hy vọng cuối cùng cho những bệnh nhân tiên lượng tử vong trên 80%. Tuy nhiên, theo một số tài liệu trên thế giới, tỷ lệ thành công đối với các trường hợp biến chứng tăng áp động mạch phổi do ho gà sử dụng ECMO chỉ khoảng 20%.
Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, việc cứu sống hai bệnh nhi biến chứng nặng do ho gà bằng phương pháp ECMO là thành công không chỉ của riêng viện Nhi, mà còn là thành công của nền y học Việt Nam, đã tiếp cận được y học hiện đại của khu vực và trên thế giới.
Ông cũng nhấn mạnh, cả hai bệnh nhi trên đều chưa được tiêm chủng bệnh ho gà. Hai bệnh nhân này có biến chứng nặng nhất trong số 150 bệnh nhi mắc ho hà được điều trị tại viện từ năm 2014 đến nay. Bác sĩ khuyến cáo, ho gà là bệnh có thể phòng được bằng tiêm văcxin đúng và đủ. Do vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng, các bà mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian và đủ liều văcxin.
Khánh Chi
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét