Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Coi chừng nhiễm ký sinh trùng khi dùng lươn sống để hạ sốt

Mới đây một bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ cách hạ sốt cho con bằng cách mua lươn về cho bò lên lưng cậu con trai. "Mấy ngày nay con trai bị sốt lên ban đỏ, uống thuốc hoài lâu hết mà con thì sốt cao quá mình nóng ruột. Nhiều người mách lấy lươn sống lăn là hết. Sáng sớm mẹ mình đi chợ mua 3 con lươn sống về lăn, thấy hiệu quả rõ rệt luôn. Mình thấy con lươn chuyển sang hết màu đỏ luôn (đó là chất độc trong ban mà con lươn hút)", người mẹ chia sẻ.

Nhiều người ủng hộ cách làm này và đề nghị chế biến món lươn cho trẻ ăn cũng giúp hạ sốt. Song, không ít người băn khoăn và lo ngại vì cho rằng lăn lươn hạ sốt là mẹo dân gian, chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

coi-chung-nhiem-ky-sinh-trung-khi-dung-luon-song-de-ha-sot

Ảnh: Facebook.

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, theo Đông y, lươn vàng tính ôn, vị ngọt, có công hiệu bổ ngũ tạng, bổ trung, ích khí, dưỡng huyết, ôn dương, bồi bổ can, thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kim mạch. Thích hợp với các chứng thiếu máu lao lực, ho hen, phong thấp đau nhức, gân cốt rã rời, thận hư đau lưng, liệt thần kinh mặt , tiểu đường, kiết lỵ.

Lươn có tính ôn có tác dụng làm mát, giải nhiệt cơ thể, song chỉ nên dùng ở các dạng bài thuốc và chế biến món ăn để trị bệnh. Việc lăn lươn sống để hạ sốt theo lương y Trung là không nên. Trong thịt lươn có một loại ấu trùng ký sinh sống rất dai và chịu được nhiệt độ cao. Tốt nhất, nên chế biến bằng cách nấu chín, ninh nhừ hoặc hấp cách thủy… bảo đảm sao cho thịt lươn nấu chín kỹ. "Cha mẹ có thể nấu món cháo lươn cho con ăn để tăng cường sức khỏe, làm mát cơ thể, hạ nhiệt do sốt...", Lương y Trung nhấn mạnh.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng lăn lươn trên da để hạ sốt là lợi bất cập hại, nguy cơ bị nhiễm trùng da rất cao.

Theo bác sĩ, sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng kém vì lượng kháng thể tự nhiên mẹ truyền cho trẻ giảm xuống đáng kể trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Sốt phát ban rất dễ lây nhiễm, dễ lây lan thành dịch và có thể biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Biểu hiện của sốt phát ban là khoảng thời gian trước khi bị phát ban, trẻ sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, biểu hiện rõ ràng nhất là hay quấy khóc, sau đó là sốt. Sốt phát ban do sởi thường là sốt cao, kèm ho, chảy mũi, mắt đỏ, sau khi có các triệu chứng đó vài ngày sẽ phát ban toàn thân.

Nếu trẻ xuất hiện phát ban chưa thể đi khám bệnh, cha mẹ nên hạ nhiệt cho bé bằng cách lau mát bằng khăn nhúng nước ấm chườm ở trán, nách, bẹn và mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần và tã lót, cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát. Cần lưu ý là không chườm nước đá hoặc nước lạnh cho trẻ.

Khi trẻ sốt cao trên 38 độ, nếu chườm ấm mà thân nhiệt không giảm, cho uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt vào hậu môn. Loại paracetamol đơn chất được khuyến cáo dùng cho trẻ khi sốt cao, liều lượng trung bình là 10 mg cho một kg cơ thể. Làm thông thoáng mũi bằng nhỏ mũi nước muối sinh lý.

Nếu trẻ còn bú mẹ, cho bú bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian bú. Cho trẻ uống nhiều nước để bù lượng nước bị mất do sốt cao gây mất nước và chất điện giải. Loại nước cho trẻ uống tốt nhất là dung dịch oresol.

Thêm vào đó, trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh bị nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Cần cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn nhuyễn, lỏng, dễ tiêu, cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng.

Không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không tắm hay vệ sinh cơ thể, trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên không nên để trẻ bị lạnh.

Khi trẻ sốt, ho, quấy khóc và xuất hiện ban, tốt nhất là đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu được chẩn đoán sốt phát ban, bác sĩ sẽ chữa trị và tư vấn cách chăm sóc trẻ trong những ngày này. Tuyệt đối không được tự tiện dùng thuốc hoặc thay đổi đơn thuốc của bác sĩ.

Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến