Buổi tư vấn trực tuyến về ung thư cổ tử cung diễn ra trên VnExpress lúc 14h-16h ngày 11/1 thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Nguyên nhân gây bệnh, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa là những vấn đề được chia sẻ nhiều nhất.
Dưới đây là phần tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ và Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương.
- Mỗi năm em khám phụ khoa một lần, như vậy có đủ đảm bảo mình không bị ung thư cổ tử cung?
(Yến Đặng, 33 tuổi, Lê Văn Lương, Nhà Bè)
- Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương:
Chào bạn,
Khám phụ khoa là để phát hiện các bệnh lý phụ khoa. Tuy nhiên, để phát hiện ung thư cổ tử cung thì bạn phải thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung như làm PAP'S, HPV...
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (trái) và Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (phải). Ảnh: Hà Mai |
- Thưa bác sĩ,
Em được biết ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Vậy cho em hỏi những dạng người như thế nào dễ bị nhiễm virus này? Trường hợp đã bị nhiễm thì còn có thể sinh con được không?
Em cảm ơn. (Ly Ly, 29 tuổi, Lê Văn Sy - Quận 3 - TP.HCM)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Ung thư cổ tử cung đa phần nguyên nhân là HPV. HPV có thể lây qua các đường tiếp xúc niêm mạc, da... HPV có nhiều nhóm và phân nhóm khác nhau, nhưng chỉ có một số nhóm nhỏ là gây ra ung thư cổ tử cung hay gọi là nhóm HPV nguy cơ cao. Việc lây nhiễm HPV nguy cơ cao có thể thông qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Trong trường hợp nhiễm HPV nguy cơ cao thì phải được theo dõi để được phát hiện sớm sang thương ung thư cổ tử cung. Trong trường hợp nhiễm HPV, nhưng chưa có sang thương cổ tử cung vẫn có thể mang thai, nhưng phải được theo dõi sát.
- Cách đây 7 tháng, em phát hiện bị sùi mào gà nhẹ, em có đi khám ở phòng khám tư nhân, bác sĩ chỉ định chấm thuốc cho em hai lần và đã hết hoàn toàn nốt sùi, đến nay không thấy tái phát. Hiện tại em đang mang thai tháng thứ năm. Em muốn hỏi bác sĩ, trường hợp của em sau khi sinh em bé, em cần làm những gì để tránh nguy cơ ung thư cổ tử cung bởi em biết đã mắc sùi mào gà là sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung? Em cũng mong bác sĩ tư vấn, trường hợp của em thì nguy cơ bị ung thư cổ tử cung có cao không? Em xin cảm ơn. (PHAM THU HUONG, 26 tuổi, Ba Đinh, Ha Noi)
- Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ:
Chào em
Em đã có nhiễm mồng gà có nghĩa là đã nhiễm virus HPV thuộc tuýp nguy cơ thấp. Hiện tại em đã điều trị ổn và đang mang thai tháng thứ năm, trong thai kỳ, em vẫn có thể khám phụ khoa ở tại thời điểm đi khám thai để các bác sĩ có thể đánh giá cổ tử cung xem có sang thương nghi ngờ tại cổ tử cung hay không. Sau khi sinh xong, em nên đi khám phụ khoa để được làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thêm.
Đối với nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ thấp (HPV tuýp 6 và 11 gây ra mồng gà hay mụn cóc) thì không có khả năng cao bị ung thư cổ tử cung.
- Chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi, chưa lập gia đình nhưng đã có quan hệ tình dục từ vài năm nay, trong quá trình đó em không gặp vấn đề gì nhạy cảm nhưng khi tham khảo về chủ đề này em cũng có những lo lắng không biết mình có nguy cơ bị bệnh hay không. Vì vậy bác sĩ có thể cho em biết các nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh về cổ tử cung và các biện pháp phòng tránh ạ?
Cảm ơn bác sĩ. (Mai Anh, 25 tuổi, Biên Hòa - Đồng Nai)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Dự phòng ung thư cổ tử cung gồm có hai bước:
- Dự phòng sơ cấp: bằng cách tiêm phòng HPV.
- Dự phòng thứ cấp: tầm soát tế bào ung thư cổ tử cung hay xét nghiệm HPV hoặc cả hai.
Đối với tuổi của bạn thì có thể tiêm phòng HPV và định kỳ làm thực hiện các xét nghiệp tầm soát ung thư cổ tử cung. Ví dụ như làm PAP'S mỗi 1-2 năm (tùy theo PAP'S cổ điển hay PAP'S nhúng dịch) hoặc kết hợp giữa PAP'S và HPV mỗi 3 năm nếu cả hai âm tính...
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Hà Mai |
- Bác sĩ cho cháu hỏi tiêm vắcxin phòng chống ung thư cổ tử cung khi đã quan hệ tình dục thì có làm giảm tác dụng của thuốc không? (Ngọc Mai, 25 tuổi, Nam định)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào bạn
Việc tiêm phòng vắcxin chống ung thư cổ tử cung sau khi đã có quan hệ tình dục không làm giảm tác dụng của thuốc.
Khi nhiễm HPV cơ thể có cơ chế tạo miễn dịch, tuy nhiên, đây là cơ chế miễn dịch thụ động, còn vắcxin phòng ngừa nhiễm HPV có cơ chế tạo miễn dịch chủ động, do đó việc tiêm phòng HPV vẫn được khuyến khích cho dù bạn đã có quan hệ tình dục.
- Tôi đi khám bệnh xét nghiệm bị nhiễm virus HPV 18. Xét nghiệp PAP'S kết quả: không có tế bào bất thường. Bác sĩ điều trị chỉ định 6 tháng đi xét nghiệm lại 1 lần. Vậy tôi muốn hỏi tôi bị nhiễm HPV 18 thì có cách nào để điều trị phòng ngừa ung thư không, hay cứ chờ đến lúc tiến triển thành ung thư rồi chữa trị. Mong nhận được lời khuyên. (Ngô Thị Xuân, 53 tuổi, 324 Bình Giã. P hường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Bình thường theo tiến triển nhiễm HPV thì đa phần tự thoái lui, chỉ có một phần nhỏ là tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Hiện chưa có biện pháp để điều trị nhiễm HPV. Do đó, khi làm xét nghiệm HPV thuộc nhóm nguy cơ cao thì có chỉ định soi cổ tử cung để phát hiện các sang thương ở cổ tử cung. Trong trường hợp nhiễm HPV nguy cơ thấp sẽ được phối hợp với xét nghiệm PAP'S để theo dõi.
Trong trường hợp nhiễm HPV 18 - thuộc một trong những nhóm nguy cơ cao, chị nên đi soi cổ tử cung và theo dõi sát sự tiến triển biến đổi tế bào cổ tử cung.
- Muốn tầm soát ung thư cổ tử cung chính xác nhất thì phải yêu cầu thực hiện các xét nghiệm gì để không bị bỏ sót? (trinh thi hien, 39 tuổi, brvt)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Hiện tại tất cả các cơ sở khám sản phụ khoa đều có thể thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Hiện nay, việc thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung có thể nhờ vào các xét nghiệm:
- PAP truyền thống hay PAP nhúng dịch (Thin-prep, Liquid-prep...)
- HPV DNA (Cobas HPV)
- Phối hợp giữa PAP và HPV DNA (Co-testing)
Tùy thuộc vào điều kiện về tuổi, tiềm căn sản phụ khoa, có nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây hay không, tài chính... em sẽ được các bác sĩ phụ khoa tư vấn lựa chọn xét nghiệm tầm soát nào là phù hợp và chính xác.
- Bác sĩ tư vấn giúp tôi nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung với ạ. Với người không có gia đình và chưa quan hệ, lớn tuổi thì có bị mắc bệnh này không? Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Mỹ Dung, Bình Phước)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung hơn 90% là do HPV. Ngoài ra còn lại những đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung như quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, sinh nhiều lần...
Những người độc thân, không quan hệ tình dục và lớn tuổi vẫn có nguy cơ ung thư cổ tử cung, nhưng với tỷ lệ thấp hơn rất nhiều.
- Thưa bác sĩ, triệu chứng của ung thư cổ tử cung là gì? Những triệu chứng nhỏ nhất để phát hiện được bệnh lý này? Em cảm ơn bác sĩ. (Trương Xuân Thảo, 34 tuổi, 521/98/10 CMT8, P.13, Q.10)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính tại cổ tử cung, việc chẩn đoán bệnh lý này sẽ rất dễ khi bệnh đã vào giai đoạn cuối. Hiện tại, với tiến bộ của y học, có nhiều xét nghiệm để có thể tầm soát và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Những triệu chứng gợi ý ung thư cổ tử cung mà người bệnh thường gặp bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường, dịch âm đạo có thể có màu vàng xanh lẫn máu, mủ.
- Ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là các lần ra huyết sau quan hệ tình dục.
Khi có những triệu chứng đó, người bệnh nên tìm tới các bác sĩ phụ khoa. Khi thăm khám, các bác sĩ có thể thấy tại cổ tử cung bướu nghi ung thư với các dạng sau:
- Sùi bông cải
- Loét khuyết
- Thâm nhiễm cứng...
Tuy nhiên, đôi khi vẫn không tìm thấy tổn thương nào hoặc có bất thường gì tại cổ tử cung. Trong những trường hợp đó, các bác sĩ sẽ đề nghị em làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Hà Mai |
- Tôi đã xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung vào năm 2016 và được bệnh viện báo là có dấu hiệu bất thường cần theo dõi định kỳ (do có phát hiện virus HPV). Tuy nhiên bác sĩ không kê toa thuốc hoặc dặn dò những cách để phòng tránh khả năng tăng nguy cơ dẫn đến ung thư. Xin bác sĩ tư vấn thêm ạ. Cám ơn chương trình. (Hong Ngoc, 35 tuổi)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Khi xét nghiệm HPV Cobas thì kết quả sẽ trả lời có hay không nhiễm. Bên cạnh đó, kết quả còn cho biết nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ cao hay thấp. Thái độ xử trí rất liên quan đến nhóm HPV nhiễm thuộc nguy cơ cao hay thấp. Nếu nhiễm HPV nhóm 16 và 18 thì phải soi cổ tử cung. Nếu nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao khác thì kết hợp với xét nghiệm PAP'S để theo dõi hay quyết định soi cổ tử cung.
Trường hợp của bạn thì thông tin cung cấp chưa đầy đủ, nên rất khó cho bạn lời khuyên làm gì là tốt nhất.
- Chào bác sĩ, tôi bị nhiễm HPV type 52. Xin bác sĩ cho biết type này có gây ung thư cổ tử cung hay không? Nếu có thì bao nhiêu phần trăm khả năng gây bệnh? Tôi phải làm gì để giảm thiểu khả năng bị ung thư cổ tử cung? Type này có gây ung thư vòm họng không? Cảm ơn bác sĩ. (Nguyen Thanh, 40 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào bạn
70% ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV type 16,18. HPV type 52 thuộc nhóm nguy cơ cao, tuy nhiên, khả năng gây tổn thương tiền ung thư (CIN) chỉ chiếm 2% và ung thư tế bào vảy cổ tử cung cũng chỉ 2%, cho nên, bạn không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, vì bạn nhiễm HPV thuộc nhóm nguy cơ cao, do đó, bạn cần có lộ trình theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở khám phụ khoa.
HPV type 52 thường không gây ung thư vòm họng.
- Tôi đã làm xét nghiệm kiểm tra không có nhóm HPV có khả năng gây ung thư cổ tử cung và luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ. Như vậy có thể khẳng định tôi sẽ không có nguy cơ ung thư cổ tử cung đúng không? (ngoisaoxanh, 38 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Nếu sử dụng bao cao su hoàn toàn đúng cách khi quan hệ tình dục thì bạn có thể giảm tối đa nguy cơ ung thư cổ tử cung do nguyên nhân HPV lây qua đường quan hệ tình dục thông thường. Tuy nhiên, việc lây nhiễm HPV vẫn có thể lây qua quan hệ tình dục bằng những đường khác như miệng, hậu môn... Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn những nguyên nhân khác ngoài HPV. Vì vậy, bạn vẫn phải thực hiện khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
- Tôi không biết tác hại của virus HPV thế nào, nguy hiểm thế nào? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Mạnh Hương, Bình Thuận)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
HPV có thể gây ra sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm hầu, ung thư trực tràng... Vì vậy, việc tiêm phòng HPV là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa hậu quả do nhiễm HPV. Ngoài ra, quan hệ tình dục an toàn cũng góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền HPV.
- Bác sĩ cho tôi hỏi: phụ nữ đã có chồng và qua 26 tuổi thì có thể tiêm ngừa vắcxin ung thư cổ tử cung được không? Dấu hiệu nhận biết bệnh và cách điều trị thế nào? Cảm ơn bác sĩ. (Cao Thi Ly, 28 tuổi, Q7)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Hiện tại, việc tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được giới hạn ở tuổi 26, tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, tuổi tiêm ngừa có thể lên đến 50. Em có thể khám phụ khoa và xin tư vấn bác sĩ phụ khoa về vấn đề này.
Dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung mà người bệnh thường gặp bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường, dịch âm đạo có thể có màu vàng xanh lẫn máu, mủ.
- Ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là các lần ra huyết sau quan hệ tình dục.
Khi thăm khám, các bác sĩ có thể thấy tại cổ tử cung bướu nghi ung thư với các dạng sau:
- Sùi bông cải
- Loét khuyết
- Thâm nhiễm cứng...
Khi đã có chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phẫu thuật hoặc phẫu thuật phối hợp với xạ trị, hoặc xạ trị đơn thuần... tùy giai đoạn bệnh.
- Năm 2011 (khi đó em 25 tuổi dương), em tiêm 1 mũi vắc xin HPV loại của Mỹ, trước đó em chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên năm sau đó em lấy chồng và có thai cháu đầu lòng ngay nên em bị lỡ mất 2 mũi tiếp theo.
Như vậy, việc tiêm 1 mũi có thể bảo vệ cho em được không ạ? Thời điểm này em 31 tuổi, em có nên tiêm tiếp các mũi tiếp theo không ạ?
Ngoài ra, bác sĩ tư vấn giúp em địa chỉ bệnh viện để em đi khám tầm soát ung thư cổ tử cung ạ. (Bui thanh ngoc, 31 tuổi, KHu đô Thị Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng HPV phải đạt tối thiểu hai mũi mới đủ mức độ bảo vệ chống ung thư cổ tử cung. Vì vậy, bạn tiêm có một mũi thì việc bảo vệ của mũi tiêm không hiệu quả. Rất tiếc hiện tại bạn 31 tuổi, quá tuổi tiêm ngừa HPV (tuổi tiêm phòng khuyến cáo của Bộ Y tế là 12-26 tuổi), nên vấn đề tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện thông qua khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết. Ảnh: Hà Mai |
- Làm thế nào để phát hiện được bệnh ung thư cổ tử cung? (Phạm Thị Ánh)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thông qua các xét nghiệp PAP'S, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn có thể phát hiện thông qua khám phụ khoa, thấy hình ảnh chồi, sùi, u, nhú ở cổ tử cung và được xác định chắc chắn bằng kết quả sinh thiết cổ tử cung.
- Em có nghe nói về vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, loại vắc xin này có bảo vệ 100% không bị mắc bệnh này không bác sĩ? (Vũ Thị Kim Chi)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Hiện HPV có rất nhiều nhóm nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung như nhóm 16, 18, 31, 33, 35, 39... Vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiện chủ yếu tập trung vào phòng ngừa HPV nhóm 16, 18. Do đó, việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung bảo vệ được đa phần nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, nhưng không bảo vệ được 100%. Vì vậy, nếu bạn đã tiêm phòng vắc xin phòng ngừa cung thư cổ tử cung thì bạn vẫn phải thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
- Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, vừa phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, hiện điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa ở TP HCM. Vì sức khỏe bà đang yếu nên bác sĩ tư vấn chúng tôi không mổ hoặc xạ trị được mà chỉ có thể điều trị bằng thuốc thôi, trong đó, bác sĩ giới thiệu tôi loại thuốc mới và nói đó là thuốc nhắm trúng đích. Tuy nhiên, thuốc này khá mắc nên gia đình tôi còn đang cân nhắc. Vậy xin hỏi bác sĩ liệu thuốc này hiệu quả như thế nào với bệnh của mẹ tôi? (Lâm Hà Mỹ Kim)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào bạn
Ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn là đúng, do vũ khí điều trị hữu hiệu nhất là phẫu thuật và xạ trị.
Trường hợp của mẹ bạn, 60 tuổi không phải là quá lớn, tuy nhiên, vì là giai đoạn muộn nên không thể phẫu thuật và xạ trị được, trong trường hợp này, hóa trị là chọn lựa phù hợp. Tuy nhiên, hóa trị đối với ung thư cổ tử cung vẫn còn nhiều hạn chế và được xem là điều trị vớt vát. Ngoài các loại thuốc từ trước đến nay thường dùng, hiện nay có thêm loại mới là thuốc nhắm trúng đích (bevacizumab). Hạn chế lớn nhất của điều trị này là giá thành của lộ trình điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi. Ảnh: Hà Mai |
- Vừa qua em có làm xét nghiệp sinh thiết cổ tử cung và chuẩn đoán là CIN1, HPV+ (nhưng -HPV16,18). Bác sĩ có khuyên khoét chóp cổ tử cung nhưng vì em chưa có em bé nên sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Ngoài ra, em có tìm hiểu một số thông tin và được biết CIN1 chưa cần phải khoét chóp mà cần được theo dõi 6-12 tháng. Hiện tại em định sẽ tái khám sau 6 tháng, cố gắng ăn uống, bổ sung vitamin A, nhưng tinh thần vẫn lo lắng rất nhiều. Xin bác sĩ cho em lời khuyên, nếu phải phẫu thuật thì mất bao lâu để hết bệnh? Em xin cảm ơn bác sĩ. (Phùng Chi)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
CIN là tân sinh trong biểu mô cổ tử cung, có ba mức độ CIN1, 2 và 3. Không cần điều trị gì, CIN1 thường tự biến mất sau 6-12 tháng. Do đó, với kết quả sinh thiết cổ tử cung của em và không có HPV 16,18 dương tính, thì em không nên quá lo lắng về bệnh của mình và CIN1 thì không có chỉ định khoét chóp.
Em nên tái khám sau 6 tháng để được theo dõi tiếp tục về tình trang cổ tử cung tại các cơ sở sản phụ khoa.
- Trước đây em hay bị nhiễm nấm âm đạo, đã chữa trị và thỉnh thoảng em vẫn thấy có nhiều huyết trắng. Vậy em có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao không? Hiện tại em chưa dám chích ngừa HPV vì đang muốn có em bé. Nếu em chích ngừa HPV thì trong bao lâu có thể mang thai được ạ? (Nguyễn Thị Tuyết Ngân, 24 tuổi, Bình Lục, Hà Nam)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào em,
Em nên khám phụ khoa để xác định tình trạng huyết trắng nhiều là do viêm nhiễm hay chỉ là huyết trắng sinh lý. Đồng thời, em cần thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nếu có. Việc chích ngừa HPV chỉ giới hạn ở một số đối tượng nhất định và tuân thủ theo phát đồ tiêm phòng, nếu trong điều kiện không đủ tiêu chuẩn tiêm phòng thì tầm soát ung thư cổ tử cung là quan trọng, nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả.
- Em cứ nghe đến bệnh ung thư cổ tử cung là nghe đến xét nghiệm PAP mà không biết đấy là gì? Nhờ bác sĩ giải thích và tư vấn giúp, đây có phải là phương pháp xét nghiệm để tìm ra bệnh ung thư cổ tử cung hay không? (Trần Nguyễn Kim Thùy)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý đứng hàng thứ hai trong các ung thư phụ khoa. Với tiến bộ y học ngày nay, việc tầm soát các bất thường và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có thể giúp người phụ nữ điều trị khỏi hoàn toàn nếu không may mắc bệnh.
PAP là xét nghiệm tế bào học nhằm phát hiện các biến đổi bất thường của tế bào tại cổ tử cung. Hiện nay, có hai loại xét nghiệm PAP là PAP truyền thống và PAP nhúng dịch. Ngoài ra, còn có những xét nghiệm khác như Cobas HPV, Co-testing cũng giúp tầm soát hiệu quả các bất thường gợi ý tổn thương tiền ung thư và ung thư tại cổ tử cung.
- Trước đây tôi có đi kiểm tra HPV. Con HPV 16 và 18 thì âm tính mà ghi là nguy cơ cao. Vậy nguy cơ cao là gì, vì tôi thường nghe con HPV 16 và HPV 18 là gây ung thư. (Nguyễn huỳnh lan thanh)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
HPV có nhiều nhóm, trong đó HPV nhóm 16 gây ung thư cổ tử cung chiếm 53,5%; nhóm 18 là 17,2%; nhóm 45 là 6,7%; nhóm 31 là 2,9%... Hiện xét nghiệm HPV Cobas kết quả sẽ xác định có nhiễm HPV nhóm 16, 18 và 12 nhóm nguy cơ cao khác, từ đó có chế độ xét nghiệm, theo dõi tùy theo nhóm nhiễm HPV.
- Chào chương trình và các bác sĩ, tôi được biết có vắc xin phòng được bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng tôi không biết vắc xin sẽ bảo vệ được trong bao lâu? Nếu đã quan hệ tình dục rồi thì có thể tiêm vắc xin được nữa không? Tôi có thể tiêm vắc xin này ở đâu? (Tô Thị Thu)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Theo phác đồ tiêm phòng ung thư cổ tử cung, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm 2-3 mũi trong một đợt tiêm phòng. Hiệu quả của vắc xin tiêm phòng HPV được mong muốn là suốt đời, song kết quả các nghiên cứu trên thế giới đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tuổi khuyến cáo tiêm phòng HPV là 9-26 tuổi, bất luận có quan hệ tình dục hay không. Tuy nhiên, việc tiêm phòng HPV ở người càng trẻ, không có quan hệ tình dục thì đáp ứng miễn dịch càng cao.
- Thưa bác sĩ, năm 2015, kết quả HPV 16 dương tính khi khám phụ khoa định kỳ, năm 2016 kết quả HPV16 âm tính. Em chưa chích ngừa vắcxin kháng HPV, vậy có cần phải chích ngừa trước khi quan hệ tình dục lại không vì em sợ khả năng tái nhiễm? (Le Lan, 46 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào bạn
Bạn từng bị nhiễm HPV type 16 nhưng do chưa tiêm ngừa HPV nên nếu có điều kiện, bạn vẫn có thể tiêm ngừa vì đây là miễn dịch chủ động. Mặc dù, các vắcxin ngừa HPV hiện nay được khuyến cáo sử dụng từ 9-26 tuổi, nhưng tại các quốc gia phát triển giới hạn tiêm ngừa vẫn có thể đến 50 tuổi. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ phụ khoa và quyết định có nên tiêm ngừa hay không.
- Tôi nghe nói, cứ 3 phụ nữ có kết quả xét nghiệm PAP bình thường thì 1 người bị ung thư cổ tử cung. Nhưng cũng nghe nói cách xét nghiệm này không đảm bảo bạn hoàn toàn thoát bệnh ung thư cổ tử cung. Như vậy tôi phải làm sao? (khanh)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Xét nghiệm PAP'S là xét nghiệm thường quy để tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung để can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả. Với sự tiến bộ của khoa học thì các bước xử lý xét nghiệm PAP'S đã được cải thiện nhiều, nhưng độ nhạy của xét nghiệm PAP'S vẫn còn thấp, dao động 50-70%. Vì vậy, bạn có thể được tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách sử dụng xét nghiệm HPV hay kết hợp giữa HPV và PAP'S nhúng dịch sẽ tăng độ chính xác của xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Cháu đi khám và bị viêm cổ tử cung diện rộng, đã đặt thuốc một đợt, khi vừa hết thuốc thì cháu có kinh. Sau khi sạch kinh, cháu quan hệ vợ chồng thì hai ngày sau lại có máu kinh năm ngày liền. Khi sạch, cháu thấy thỉnh thoảng ra dịch nhầy màu nâu đôi khi hơi hồng hồng. Giờ cháu đang đặt thuốc đợt hai và kiêng quan hệ tuyệt đối nhưng vẫn thấy màu hồng hồng. Bác sĩ cho cháu lời tư vấn. Cháu cảm ơn. (đặng thị sợi, 32 tuổi, bắc ninh)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Viêm cổ tử cung diện rộng rất dễ gây chảy máu khi quan hệ tình dục, thường các bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho uống kháng sinh và đặt thuốc tại chỗ. Tuy nhiên, để loại trừ các bất thường có liên quan đến ung thư cổ tử cung, em nên tái khám để được các bác sĩ đánh giá tình trạng bất thường và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Em muốn xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nếu làm xét nghiệm ở bệnh viện tuyến huyện có chính xác không? (vì thị quê, 44 tuổi, Tân Lâp - Mộc Châu - Sơn La)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Hệ thống tầm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam bằng PAP'S cổ điển đã triển khai đến các tuyến quận, huyện, xã, phường. Vì vậy, bạn có thể thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung ở những cơ sở y tế thuận tiện. Tuy nhiên, một số xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung kỹ thuật cao như PAP'S nhúng dịch, HPV thì đòi hỏi phải thực hiện ở cơ sở y tế có đủ phương tiện.
Hiện tại, Bệnh viện Hùng Vương có hệ thống lấy mẫu xét nghiệm HPV từ các tuyến quận, huyện mang về phân tích tại bệnh viện, nên trong trường hợp bạn không có điều kiện dến bệnh viện chuyên khoa thì có thể liên hệ với tuyến quận, huyện thực hiện lấy mẫu tại bệnh viện quận, huyện.
- Xin hỏi bác sĩ Mỹ Nhi, em năm nay 38 tuổi, đã sinh con hai lần, mỗi lần cách nhau bốn năm. Năm nay, em muốn sinh tiếp thì có được không? Cổ tử cung của em mỏng, liệu có nguy cơ cao nếu sinh tiếp? (thu tram, 38 tuổi, 110 nguyễn xí,)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Em đã sinh hai lần và mới 38 tuổi thì vẫn có thể sinh tiếp trong năm nay. Theo em nói cổ tử cung của em mỏng, tôi có thể hiểu rằng cổ tử cung của em bị ngắn phải không? Nếu cổ tử cung ngắn thì em có nguy cơ sinh non trong lần mang thai kế tiếp, em cần đi khám các bác sĩ sản phụ khoa để đánh giá lại tình trạng cổ tử cung trước khi mang thai cũng như trong thai kỳ.
- Em cần làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung mấy lần trong 1 năm? Ngoài ra, cần làm thêm xét nghiệm nào khác cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung không? (Hoàng Mỹ Quyên)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
Thời điểm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm tầm soát và kết quả của xét nghiệm tầm soát lần trước. Ví dụ theo khuyến cáo Bộ Y tế, với kết quả xét nghiệm PAP'S cổ điển âm tính thì lặp lại sau hai năm, xét nghiệm HPV âm tính và PAP'S nhúng dịch âm tính thì lặp lại sau 3-5 năm.
- Xin chào bác sĩ em năm nay 30 tuổi chưa có gia đình. Em đi soi cổ tử cung thì bác sĩ nói bị viêm lộ tuyến tử cung và polyp cổ tử cung nhưng không nói ở mức độ nào. Xin cho em hỏi với tình trạng bệnh của em, phương pháp điều trị thế nào và polyp có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung không, vì bác sĩ chỉ định cắt bỏ và xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Trong trường hợp điều trị thành công thì có ảnh hưởng gì đến việc mang thai và sinh con sau này không? Em xin cảm ơn. (Trân, 30 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào em
Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng mô tuyến lỗ trong tiến ra bên ngoài và thường gây tiết dịch nhiều, đôi khi có kèm với polyp cổ tử cung.
Đối với polyp cổ tử cung thì cần phải cắt bỏ và làm xét nghiệm sinh thiết, nếu kết quả sinh thiết lành tính thì không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con sau này.
Đối với lộ tuyến cổ tử cung, nếu diện rộng gây tiết dịch âm đạo và viêm nhiễm thường xuyên, các bác sĩ có thể chỉ định đốt cổ tử cung, nhưng cần cân nhắc với những trường hợp chưa sinh con lần nào như em vì có thể sẽ gây khó khăn trong việc xóa và mở cổ tử cung khi chuyển dạ sinh sau này.
- Chào bác sĩ, tôi muốn hỏi là bệnh ung thư cổ tử cung có bị di truyền không? Có chữa trị dứt được không? Xin cám ơn. (Nguyễn Thị Vân)
- Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi:
Chào bạn
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa không có liên quan đến di truyền. Một số yếu tố được nói cho là có liên quan như:
- Quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi)
- Có nhiều bạn tình
- Sinh sớm
- Sinh con nhiều lần...
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, em cần khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Em có những câu hỏi sau rất mong được các bác sĩ giải đáp ạ.
1. Bài viết có câu "bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm". Vậy phát hiện sớm là sớm như thế nào ạ?
2. Khi khác lại có câu "Cách duy nhất phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là làm các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung thường niên hoặc 3 năm một lần". Thường niên là mỗi năm một lần hay bao lâu ạ? Còn nếu 3 năm một lần thì khi phát hiện ung thư gần 3 năm thì có muộn quá không?
3. Khi phát hiện sớm thì xác xuất chữa khỏi là bao nhiêu phần trăm? Và chữa ở bệnh viện nào thì tốt nhất? và có nhất thiết phải xạ trị không ạ?
4. Nếu phát hiện trễ thì khả năng chữa khỏi sẽ như thế nào ạ?
5. Khả năng lây nhiễm virus HPV này là như thế nào (có dễ lây không)? và qua đường nào ạ?
6. Nếu đã không tiêm phòng, cách tốt nhất để tránh virus HPV là như thế nào ạ? Nếu đã nhiễm HPV, làm cách nào để khả năng nhiễm bệnh ung thư cổ tử cung là thấp nhất ạ?
7. Khả năng sinh con của phụ nữ khi nhiễm HPV, và khi nhiễm ung thư cổ tử cung ạ?
8. Em được biết là virus này còn gây ra một số bệnh khác, vậy thì nó là bệnh gì ạ? (Trần Thị Thảo Nguyên, 28 tuổi, Lê Quang Định, Bình Thạnh)
- Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết:
Chào bạn,
HPV là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung (hơn 99%). Đến nay, người ta phân lập hơn 100 chủng HPV, tuy nhiên chỉ có khoảng 14 chủng nguy cơ cao, gây ung thư cổ tử cung.
Việc lây truyền HPV rất dễ dàng, chủ yếu qua tiếp xúc da, niêm, đặc biệt lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Nhiễm HPV thường không có triệu chứng gì đặc biệt cho đến khi gây ra hậu quả như mụn cóc, sùi mào gà, ung thư cổ tử cung... Đối với nhiễm HPV liên quan đến ung thư cổ tử cung thì có thể phát hiện sớm trước khi có biểu hiện lâm sàng thông qua xét nghiệm HPV.
Nhiễm HPV vẫn có thể mang thai và sinh con, ngoại trừ trường hợp gây ra hậu quả ung thư cổ tử cung thì cần phải được điều trị ung thư cổ tử cung trước khi có thai. Ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, việc tầm soát ung thư để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng. Tất cả phụ nữ nên thực hiện việc khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.
VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét