Nicky Trần là con thứ ba trong một gia đình Việt kiều Mỹ. Từ khi sinh ra, cậu bé có biểu hiện chậm phát triển về nhận thức, ngôn ngữ và hành vi. Đến nay 16 tuổi, thân thể cao to lực lưỡng song em chỉ nói được từng câu tiếng Anh ngắn và không biết nói tiếng Việt. Gặp bất kỳ ai, em cũng nói "Hi" rồi hỏi "What's your name?", "Where are you from?", phá lên cười ngô nghê. Tiếp xúc với một người bao nhiêu lần Nicky cũng không nhớ mà chỉ lặp lại chừng ấy câu hỏi.
Nicky Trần đang được bác sĩ châm cứu tại Viện Y học cổ truyền TP HCM. Ảnh: Trần Ngoan. |
Chị Trương Thị Ngọc Hoa, người thân của Nicky cho biết gia đình phát hiện cậu bé bị tự kỷ từ khi còn nhỏ. Nicky hiền lành, mê chơi game, không thích chơi với bất kỳ ai, hay đập phá đồ đạc trong nhà, không hài lòng chuyện gì em lại nổi nóng và phá phách. Bác sĩ ở Mỹ chẩn đoán cậu bé bị tự kỷ, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu nhưng không tiến triển nhiều. Cậu bé lên 6 tuổi học ở trường dành cho trẻ tự kỷ, tuy nhiên sau 10 năm vẫn chưa rành mặt chữ.
Mới đây bố mẹ Nicky đưa con về Việt Nam để chữa theo phương pháp y học cổ truyền. Hàng ngày cậu bé đến Viện Y dược học dân tộc TP HCM để châm cứu trị liệu. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Điều trị chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết Nicky mắc hội chứng tự kỷ với đặc trưng là chậm phát triển ngôn ngữ, khả năng tương tác xã hội và hành vi thu hẹp, nói ngọng và hay lặp lại những câu từ tương tự nhau.
Theo bác sĩ Văn, hiện nay trên thế giới chưa có nghiên cứu nào khẳng định nguyên nhân gây tự kỷ, song một số yếu tố nguy cơ được cho là có liên quan. Chẳng hạn như yếu tố di truyền trên gen yếu, các tác nhân môi trường trước sinh, người mẹ bị nhiễm trùng hoặc dùng thuốc khi mang thai, thai phụ có vấn đề về tuyến giáp, căng thẳng trước khi sinh...
Quan niệm y học cổ truyền cho rằng chứng tự kỷ là do khí không ổn định ảnh hưởng đến chức năng lục phủ ngũ tạng, gây mất cân bằng trong cơ thể dẫn đến bệnh. Thường gặp 2 thể: Khí hư và huyết hư. Tùy theo thể bệnh, bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị khác nhau, thông thường cần kết hợp nhiều phương pháp như điện châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, giáo dục trị liệu hành vi... Quy trình điều trị này đã được Bộ Y tế công nhận và Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa chuyển giao hoàn toàn cho Viện Y dược học dân tộc TP HCM.
Nghiên cứu của Bệnh viện Châm cứu Trung ương trên các bệnh nhi tự kỷ đã điều trị bằng y học cổ truyền nhiều năm qua cho thấy trẻ được điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi và hòa nhập cộng đồng càng cao. Hiệu quả điều trị tốt nhất ở nhóm từ 1 đến 3 tuổi vì đây là khoảng thời gian vàng với tỷ lệ hòa nhập cộng đồng lên đến 60%, trong đó 20% có thể đi học bình thường. Các trường hợp trên 6 tuổi, kết quả điều trị hạn chế hơn. Độ tuổi càng cao thì khả năng hồi phục hoàn toàn càng giảm, bệnh nhi từ tuổi 15 trở lên chỉ có thể cải thiện được một phần tình trạng.
Với Nicky Trần, Bác sĩ Văn cho biết cậu bé đến viện điều trị muộn. Hiện em 16 tuổi, tức qua "thời gian vàng" để can thiệp điều trị tự kỷ nên không thể hồi phục hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện được một phần nào nhận thức và khả năng tự chủ hành vi.
Dự kiến Nicky được điều trị liệu trình khoảng 6 tháng, duy trì mỗi ngày. "Mục tiêu là giúp cháu hòa nhập cộng đồng, biết tự lo cho bản thân để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội", bác sĩ Văn chia sẻ. Ngoài ra, quá trình chữa trị cho một đứa trẻ tự kỷ đòi hỏi sự cố gắng, kiên trì không những của bác sĩ mà còn cả gia đình và bản thân các cháu nữa.
Dấu hiệu nhận biết một em bé bị tự kỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét