Bức ảnh một người đàn ông ôm ngực trước khi ngã xuống trong đau đớn khiến nhiều người liên tưởng người này lên cơn đau tim. Tuy nhiên, nó thực chất là sản phẩm của điện ảnh; thực tế không đúng như thế. Những cơn đau tim thầm lặng xảy ra thường xuyên như trường hợp có biểu hiện rõ ràng.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng gần một nửa số trường hợp nhồi máu cơ tim không có biểu hiện rõ ràng nhưng vẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Theo một nghiên cứu, cứ 4 người bị đau tim thì có một người sẽ bị suy tim.
Ảnh minh họa: WP. |
Tiến sĩ Elsayed Soliman, một chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch của Mỹ thuộc Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist đã tiến hành nghiên cứu chi tiết hơn mức độ phổ biến và nguy hiểm của biến cố thầm lặng này so với cơn đau tim có triệu chứng kèm theo. Họ phân tích dữ liệu của hơn 9.000 người trung niên không bị đau tim trong một cuộc khảo sát về nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng. Kết quả, trong bình quân khoảng 9 năm, gần 400 người bị cơn đau tim có kèm triệu chứng và 317 người bị cơn đau tim thầm lặng.
"Hậu quả của cơn đau tim thầm lặng cũng tồi tệ như cơn đau tim có kèm theo triệu chứng. Bệnh nhân không hay biết mình lên cơn đau tim nên không được chữa trị đúng cách và không biết tai biến xảy ra lúc nào", tiến sĩ Soliman nói.
Theo Healthline, người bệnh có thể không cảm nhận được cơn đau tim thầm lặng, tuy nhiên máy điện tim có thể phát hiện được.
Để ngăn ngừa cơn đau tim thầm lặng hay có triệu chứng, điều bạn cần làm là giữ huyết áp và cholesterol ổn định, bỏ thuốc lá, tập thể dục hằng ngày và có một chế độ ăn uống cân bằng. Đồng thời khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt với người trong gia đình có tiền sử bệnh tim.
Biểu hiện chủ yếu của bệnh là cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 30 phút, có thể kèm theo vã mồ hôi, khó thở mệt nhiều. Ngoài ra một số trường hợp không có hoặc ít cảm giác đau (nhồi máu cơ tim thầm lặng)...
Khi cơn đau ngực như mô tả, người bệnh cần ngưng ngay hoạt động và công việc đang làm, nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi nếu đã được chẩn đoán bệnh mạch vành từ trước. Nếu sau 10-30 phút tình trạng đau ngực không đỡ, đặc biệt khi đã ngậm nitroglycerine dưới lưỡi, thì cần đưa đi cấp cứu ngay.
>> Xem thêm:
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim
"Thời gian vàng" cấp cứu người nhồi máu cơ tim
Phương Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét