Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Cảnh giác 8 bệnh thường gặp trong mùa hè

Mùa hè là thời gian lý tưởng để bạn tận hưởng một kỳ nghỉ hoặc tham gia những chuyến dã ngoại, tiệc tùng, các hoạt động thể thao với gia đình. Tuy nhiên, mùa này cũng khiến bạn dễ mắc một số bệnh như tắc tuyến mồ hôi, bệnh Lyme hay viêm mũi dị ứng. Bác sĩ Deyo Famuboni chia sẻ trên trang Healthista 8 vấn đề sức khỏe cùng với những lời khuyên hữu hiệu giúp bạn tận hưởng mùa hè một cách trọn vẹn:

1. Bệnh về mắt

Ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến một số bệnh về mắt, ngay cả khi trời râm. Nhẹ thì viêm giác mạc hay kết mạc, nặng có thể dẫn đến tổn thương lâu dài như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm đau mắt, sưng mắt và giảm thị lực.

Để phòng bệnh, bạn cần mang kính mát có chức năng sàng lọc tia UV đạt chuẩn CE (tiêu chuẩn Châu Âu về kính chống tia UV). Chẳng hạn, kính ký hiệu UV 320-390 có thể sàng lọc hơn 95% tia UV dưới 380 nanomet. Kính ký hiệu UV 400 có thể lọc những tia UV dưới 400 nanomet. Ngoài ra, đội một chiếc mũ rộng vành cũng giúp bạn tránh những tác hại của ánh nắng lên đôi mắt.

benh-he-2073-1434614139.jpg

Ảnh: Health.

2. Ngộ độc thực phẩm

Vào mùa hè, nhu cầu thịt nướng và rau trộn tăng cao. Các loại thực phẩm này có lợi cho sức khỏe nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu bạn không tuân theo quy tắc xử lý an toàn thực phẩm.

Các triệu chứng ngộ độc thường bắt đầu từ một đến 3 ngày sau khi ăn. Nhẹ thì bị tiêu chảy hoặc ói mửa, nặng kèm theo sốt, chóng mặt, giảm đi tiểu, mất nước, đau bụng dai dẳng, có máu và chất nhầy trong phân. Đa phần ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể tự khỏi, song nếu triệu chứng trở nên nặng hơn, bạn cần sự tư vấn và điều trị của bác sĩ.

Lò nướng thịt có thể gây ra ngộ độc thực phẩm nếu không đảm bảo các quy tắc xử lý thực phẩm. Các chuyên gia khuyên nên tôn trọng 4 quy tắc sau đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm: Rửa sạch, nấu kỹ, bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín, không để lẫn thực phẩm sống và chín.

3. Viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm da trong ống tai. Bơi lội thường xuyên là yếu tố nguy cơ khiến bạn mắc bệnh này. Khi bơi, nước hồ dễ vào tai làm rát và sưng da ống tai, tạo ra môi trường cho vi sinh vật phát triển và gây bệnh. Tai sẽ bị ngứa hoặc khó chịu, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Thuốc nhỏ tai là liệu pháp đơn giản để điều trị bệnh này. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm tai ngoài khi bơi lội là giữ cho tai khô bằng việc sử dụng mũ bơi kín hoặc nút bịt tai silicon. Lưu ý là bạn nên tránh làm trầy rát tai bằng bông gòn, ngón tay hoặc khăn tắm.

4. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng ngày càng trở nên phổ biến. Theo một nghiên cứu ở Anh, cứ 4 người thì có một trường hợp bị triệu chứng này. Nguyên nhân là do dị ứng với phấn hoa từ cây cỏ, dẫn đến viêm mũi. Các triệu chứng điển hình như ngứa cổ, mũi và mắt, hắt hơi, ho, đau đầu và mệt mỏi. Nguy cơ viêm mũi dị ứng sẽ tăng cao nếu một người bị hen suyễn hoặc bệnh chàm (eczema).

Để phòng ngừa bệnh, bạn nên tránh tiếp xúc với phấn hoa bằng việc tránh đi ra ngoài trong thời kỳ số lượng phấn hoa phát tán cao, bảo vệ mắt khi ra ngoài, xoa dầu xung quanh lỗ mũi, tắm rửa mỗi khi về nhà và để các cửa trong nhà đóng kín.

Phương pháp điều trị bệnh này bao gồm thuốc kháng histamin và thuốc xịt mũi. Để phát huy tối đa tác dụng của thuốc, bạn nên dùng vài tuần trước khi mùa phấn hoa bắt đầu. Nếu các triệu chứng trở nặng hoặc bạn có dị ứng khác, đặc biệt là hen, nên đến bác sĩ ngay.

5. Cháy nắng

Da bạn có thể bị cháy nắng sau một giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Dấu hiệu đầu tiên là nóng da và cảm thấy đau khi chạm vào. Sau ít ngày, mụn nước và hiện tượng bong da có thể xảy ra. Triệu chứng nặng nhất là sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn hoặc nổi mẩn. Nếu tình trạng kéo dài, cháy nắng có thể gây tổn thương da mãn tính với các nếp nhăn, các vết sạm đen và ung thư da.

Để ngăn ngừa cháy nắng, kem chống nắng được xem là biện pháp tốt nhất và nên sử dụng ngay cả khi trời râm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kết hợp chế độ ăn uống để cung cấp vitamin D cho da. Nếu da bạn bị cháy nắng, hãy làm ẩm da, chườm lạnh hoặc bôi kem dưỡng da lô hội. Ngoài ra, thuốc chống viêm có thể làm giảm cơn đau khi cháy nắng. Hãy tìm ngay đến bác sĩ nếu tình hình không cải thiện trong vài ngày và có dấu hiệu trở nặng.

6. Bệnh Lyme

Mùa hè đến, tổ chức những chuyến dã ngoại ở những vùng nông thôn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng việc bị côn trùng cắn, đặc biệt là bọ và ve thường khiến nhiều người lo ngại. Bệnh Lyme hay còn gọi là sốt phát ban do côn trùng cắn ảnh hưởng đến sức khỏe. Dấu hiệu bau đầu là một phát ban đỏ hình tròn xung quanh vết cắn, kéo dài đến khoảng một tháng.

Đa phần mọi người bị bệnh này có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh trở nặng và gây ra đau khớp, suy nhược, mệt mỏi, các vấn đề về tim, thần kinh nếu không được điều trị bằng kháng sinh. Về lâu dài, bệnh Lyme có thể trở thành bệnh mãn tính với những triệu chứng như tâm thần hay viêm khớp.

Bạn nên phòng ngừa bệnh bằng cách tránh những khu vực có nguy cơ gây bệnh, sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc áo dài tay, đi vớ trùm lấy gấu quần và mang giày kín. Nếu phát hiện có côn trùng cắn, hãy sử dụng nhíp hay kẹp để gắp chúng ra khỏi da của bạn.

7. Kiệt sức vì nắng nóng

Vào mùa hè, chúng ta thường đổ nhiều mồ hôi, làm cho cơ thể bị mất muối và nước. Cùng với đó, nhiệt độ cơ thể cũng tăng lên, dẫn đến kiệt sức. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, thâm chí ngất. Lúc này, cần di chuyển bệnh nhân đến một nơi thoáng mát và uống nhiều nước.

Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể sốc nhiệt với nhiệt độ cơ thể hơn 40 độ C kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, thở nhanh hoặc mất ý thức. Trong trường hợp này, cần cấp cứu và đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

8. Phát ban

Hiện tượng phát ban, nổi rôm do tuyến mồ hôi bị tắc hay dị ứng với vết cắn của côn trùng thường xảy ra trong mùa hè. Để đề phòng, cần giữ da mát và tẩy tế bào chết thường xuyên để ngăn ngừa rôm sảy. Phát ban do dị ứng có xu hướng tự khỏi, song có thể dùng thuốc kháng histamine và các loại kem bôi giúp giảm ngứa và giảm viêm.

Phát ban có thể kèm theo lepidopterism với các triệu chứng điển hình như đau cổ họng, đau mắt và khó thở. Lúc này, bạn cần đến bác sĩ ngay. Nếu bạn có tiền sử dị ứng nghiệm trọng, nhớ mang theo ống adrenaline bên mình.

Thoại Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến