Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Cẩn trọng phòng ngừa cảm lạnh đầu đông

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mùa đông đến với những cơn gió mùa lạnh buốt, mọi người ít có cơ hội được hoạt động ngoài trời, được tắm ánh nắng mặt trời song lại có quá nhiều thời gian để ăn uống, ngủ nghỉ… Thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện cho nhiều loại virus xâm nhập gây cảm cúm, cảm lạnh và các căn bệnh liên quan đến hô hấp phát triển. Người có sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người già... thường dễ mắc cảm lạnh. Bệnh nhân bị đau họng, chảy nước mũi, khó thở, tiết nhiều nước mắt, đau các khớp, sốt, nghẹt mũi và ho.

Có hơn 100 loại virus gây bệnh cảm lạnh. Hiện trên thế giới chưa có văcxin phòng ngừa cảm lạnh và kháng sinh thì hoàn toàn vô dụng trong trường hợp này. Vì vậy vào mùa lạnh, mọi người nên chủ động phòng ngừa bệnh.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo một số cách giúp bạn phòng ngừa cảm lạnh vào mùa đông:

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc ở nơi công cộng, nơi đông người.

- Khi bị cảm lạnh không nên sờ vào mắt, mũi, miệng khi tay chưa sạch, giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus có hại.

- Để bảo vệ sức khỏe phải luôn giữ ấm cơ thể, mang tất chân, găng tay, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

- Tạo thói quen che miệng khi sổ mũi, hắt hơi và vứt khăn giấy đã dùng đúng nơi quy định.

- Đối với trẻ em, các mẹ nên cho bé bú sữa nhiều hơn, uống nước nhiều hơn khi bé bị cảm lạnh. Không nên cho con uống thuốc bừa bãi mà cần có tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

- Tăng cường chất dinh dưỡng và vitamin C: Uống một cốc nước cam mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng chữa cảm lạnh.

- Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc.

Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết Đông y cũng có những cách phòng chữa cảm lạnh hiệu quả như dùng gừng, lá tía tô... Người bệnh có thể dùng phương pháp cạo gió để trị cảm lạnh. Dùng gừng tươi rửa sạch, giã nát (cả vỏ), vắt nước cốt lên dọc hai bên sống lưng rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Lấy khăn khô lau sạch bã gừng.

Đông y còn có phương pháp xông hơi để trị cảm lạnh. Nồi nước xông gồm bạc hà, kinh giới, tía tô, lá chanh, lá bưởi, lá tre, lá sả, cúc tần mỗi thứ một nắm, rửa sạch cho vào xoong, đổ ngập nước, đun sôi, bắc ra xông ngay, xông xong lau sạch mồ hôi thay quần áo. Chú ý nơi xông phải kín, tránh gió lùa. Không dùng phương pháp này cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, người bệnh có thể giải cảm đơn giản bằng bát cháo gồm hành hoa, tía tô, gừng tươi. Ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế ra gió và giữ nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ.

Linh Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến