Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Cách chọn trái cây ít ngọt cho người tiểu đường

cach-chon-trai-cay-it-ngot-cho-nguoi-tieu-duong

Ảnh: News.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trái cây là nguồn cung cấp nước, đường, chất xơ, vitamin C, vitamin nhóm B, chất khoáng, canxi, magie, kali… cần thiết cho cơ thể. Năng lượng từ trái cây chủ yếu đến từ lượng đường chứa trong đó. Chất đạm trong trái cây ít. Chất béo trong trái trái cây cũng ít, trừ bơ, sầu riêng. Chất xơ trong trái cây giúp chống táo bón và giảm mỡ máu. Vitamin C giúp tạo collagen nuôi dưỡng làn da và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Văn Chín, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn nhiều loại trái cây giống như người không bị bệnh. Song có điểm khác là không được ăn một cách thoải mái mà phải trong giới hạn cho phép về số lượng và số lần ăn để giữ cho đường huyết ổn định.

Bác sĩ khuyên người bệnh đái tháo đường trước khi lựa chọn thực phẩm cần chú ý đến lượng đường chứa trong đó. Tỷ lệ chất đường trong trái cây phụ thuộc vào giống cây, nơi trồng. Tùy mỗi loại quả mà lượng đường chứa trong đó khác nhau có thể làm tăng đường huyết ít hay nhiều. Nước thường chiếm từ 75 đến 95% trong trái cây. Thông thường loại quả nào đường nhiều thì ít nước và ngược lại. Lưu ý: Đường trong trái cây khô chiếm từ 40 đến 60%, cao hơn trong trái cây tươi cùng trọng lượng.

Nguyên tắc chọn trái cây ở người đái tháo đường:

- Nên ăn thay đổi, không theo thói quen mà chỉ dùng một số loại trái cây nhất định.

- Chọn trái cây tươi. Hạn chế sử dụng các loại quả sấy hoặc phơi khô vì tỷ lệ đường cao, lượng chất dinh dưỡng đã bị thay đổi trong quá trình chế biến và nhiều chất phụ gia, chất bảo quản có hại cho sức khỏe.

- Chọn trái cây có nhiều chất xơ và nước.

- Các loại quả làm tăng đường huyết nhiều như sầu riêng, mít, vải, nhãn… nên ăn lượng ít. Quả ít ngọt như thanh long, bưởi, củ sắn, cóc, ổi, táo, lê... có thể ăn nhiều hơn.

- Theo khuyến cáo, người bị tiểu đường chỉ nên ăn tối đa từ 2 đến 3 lần trái cây mỗi ngày. Có thể nhờ bác sĩ tư vấn cho phù hợp nhu cầu năng lượng. Bệnh nhân có thể ăn trái cây tráng miệng nhưng nếu chỉ số đường huyết sau ăn cao quá thì nên ăn cách xa bữa ăn.

- Không ăn trái cây thay cho bữa chính.

Lưu ý: Mỗi bệnh nhân tiểu đường có cơ địa khác nhau nên thay đổi đường huyết khác nhau khi hấp thu cùng lượng và cùng loại trái cây. Do đó cần dựa trên kinh nghiệm của mỗi bệnh nhân mà chọn loại quả nào cho thích hợp. Tốt nhất với trái cây vỏ mềm thì ăn cả vỏ, xác, chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường và chống táo bón. Không nên dùng nước ép trái cây vì dễ làm đường huyết sau ăn tăng cao. Nước ép trái cây như cam, dứa (thơm) hay nước dừa, nước mía chỉ có thể dùng khi cấp cứu hạ đường huyết trong trường hợp không có sẵn thức ăn hay nước uống khác.

Thi Trân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến