Tùy vào vị trí ống sống (màu vàng) bị hẹp ở đâu sẽ gây bệnh lý hẹp ống sống ở đó. Ảnh: Bác sĩ Võ Xuân Sơn. |
Theo tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, các bệnh lý hẹp ống sống liên quan đến thoái hóa gây nên bởi sự thoái hóa và phì đại của các cấu trúc xung quanh ống sống như dây chằng, bao khớp, xương, đĩa đệm…Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cột sống:
Hẹp ống sống cổ do thoái hóa thường xảy ra ở những người bị hẹp ống sống cổ bẩm sinh. Khi đó, các thành phần của cột sống cổ thoái hóa phì đại lên, làm cho khoảng không gian của ống sống cổ vốn đã hẹp càng trở nên chật chội hơn và chèn ép vào tủy.
Bệnh hẹp ống sống do thoái hóa thường gặp nhất là cốt hóa dây chằng dọc sau. Khi dây chằng này phì đại và hóa xương sẽ làm hẹp lòng ống sống suốt một đoạn dài, gây ra hiện tượng chèn ép tủy, có thể rất trầm trọng. Bệnh này gặp nhiều ở cộng đồng người Nhật, ít gặp ở châu Âu và Mỹ. Tại Việt nam chưa có thống kê chính xác, song theo nhận xét sơ bộ, tỷ lệ bệnh nhân trong dân số chung không cao lắm. Để điều trị bệnh này, thường phải phẫu thuật cắt cung sau của các đốt sống cổ hoặc mở rộng cung sau (còn gọi là tạo hình ống sống) nhằm tạo ra một khoảng không đủ để giải phóng tủy khỏi sự chèn ép.
Hẹp ống sống ngực phổ biến nhất là cốt hóa dây chằng vàng. Đây là dây chằng nối giữa các cấu trúc xương ở phía sau của ống sống tạo nên thành sau của ống sống. Dây chằng vàng bị cốt hóa sẽ phì đại lên và hóa xương, chèn ép vào tủy sống, đôi khi rất nghiêm trọng. Chỉ có một cách điều trị là phẫu thuật lấy đi toàn bộ những chỗ dây chằng vàng phì đại và cốt hóa, giải phóng mọi chèn ép tác động vào tủy sống. Đây là một cuộc phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là thương tổn thần kinh do mổ, vì vậy đòi hỏi phẫu thuật viên phải thật khéo léo, kiên nhẫn và trang thiết bị phẫu thuật hiện đại.
Phức tạp nhất trong các bệnh lý hẹp ống sống là hẹp xảy ra ở vùng thắt lưng. Hẹp ống sống thắt lưng thường đi kèm với bệnh mất vững cột sống thắt lưng. Ở những bệnh nhân này, dây chằng vàng và bao khớp phì đại, gây chít hẹp ống sống, các cấu trúc ở đầu xương của thân đốt sống (gọi là đĩa cuối) vỡ ra tạo thành các khối liên quan đến đĩa đệm. Khi người bệnh di chuyển, các khối ấy sẽ bị di lệch và thúc ép vào hệ thống dây thần kinh. Trong nhiều trường hợp, các khớp cũng bị phì đại và hóa xương, chít hẹp lòng ống sống cùng với lỗ liên hợp, không còn đủ chỗ cho các dây thần kinh nên chúng bị bóp chặt và dồn nén vào nhau. Ở một số ít bệnh nhân, hiện tượng hẹp lòng ống sống gia tăng thêm bởi các chồi xương xuất phát từ thân đốt sống (còn gọi là "gai" đốt sống).
Hẹp ống sống thắt lưng có thể gây ra các thương tổn thần kinh hoặc sự mất vững kèm theo hiện tượng "giả cách hồi" khi di chuyển, ảnh hưởng đến chức năng đi lại của người bệnh. Khi đó, chỉ định mổ được đặt ra nhằm mục đích giải ép và làm vững lại cột sống.
Lưu ý: Quá trình giải ép thường phải lấy đi các bao khớp, sụn và xương ở đĩa cuối, từ đó gây ra hiện tượng mất vững nặng hơn sau mổ nếu không được ghép xương và bất động khi phẫu thuật. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo ngay cả những trường hợp bị mất vững cột sống nhẹ cũng cần phải được đặt dụng cụ nẹp vít vào cột sống để bất động. Riêng bệnh nhân lớn tuổi thường bị loãng xương trầm trọng, các vít bắt vào đốt sống rất dễ tụt ra không thể bất động được dẫn đến thất bại mục tiêu hàn xương nên ca phẫu thuật không đạt được mục đích ban đầu. Để khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã chế tạo một số loại vít có thể bơm cement vào thân sống, giống như đổ bê tông cốt thép, làm cho vít được cố định chắc chắn hơn vào đốt xương sống.
Theo thống kê, hẹp ống sống thắt lưng là một bệnh lý liên quan nhiều đến tuổi tác, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Ở lứa tuổi từ 50 đến 75, hầu hết các trường hợp đều có mất vững cột sống kèm theo. Khi bước qua ngưỡng tuổi này, nhiều trường hợp các đốt sống mất vững tự dính lại với nhau thông qua các cầu xương, làm giảm đi tính phức tạp của bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét