Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Biến chứng thường gặp khi gây tê

Gây tê là làm mất cảm giác đau tạm thời, tại một vùng trong một thời gian nhất định bằng cách cho thuốc tê tiếp xúc với các nhánh thần kinh, từ đó ngăn cản sự dẫn truyền thần kinh. Nếu gây tê làm đúng phương pháp, tôn trọng tình trạng sinh lý và bệnh lý hiện có của bệnh nhân thì đây là một can thiệp hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên trong thực tế lâm sàng có thể xuất hiện các biến chứng do gây tê.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức TP HCM cho biết, gây tê cũng như các kỹ thuật y khoa khác, không thể nào an toàn tuyệt đối mà phải có rủi ro nhất định. Phản ứng của bệnh nhân với thuốc gây tê thường được ví như "tiếng sét giữa trời quang", bất ngờ và không thể tránh được vì không ai có thể biết được bệnh nhân sẽ phản ứng lúc nào, ra sao. Điều các bác sĩ chỉ có thể làm là phải thật cẩn thận và sẵn sàng các phương án xử trí, ứng phó nếu biến chứng xảy ra.

Ảnh minh họa: cloudfront

Gây tê cũng như các kỹ thuật y khoa khác, không thể nào an toàn tuyệt đối mà phải có rủi ro nhất định. Ảnh minh họa: Cloudfront.

Gây tê có thể gây biến chứng toàn thân như quá liều thuốc gây tê, dị ứng hoặc biến chứng tại chỗ như đau, nhạy cảm, nóng rát khi gây tê, tê dị cảm kéo dài, bọc máu, phù, nhiễm trùng, tạo vảy nơi chích, tổn thương mô mềm... Bệnh nhân rất dễ bị độc tính toàn thân do thuốc tê lọt vào máu ở nồng độ cao, gây ảnh hưởng đến tim và não. Đặc biệt phản ứng dị ứng không liên quan đến liều lượng sử dụng mà là do đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch cơ thể. Khoảng 500 trường hợp dùng thuốc tê thì có một trường hợp dị ứng, có thể ở mức độ nhẹ như đỏ da hoặc ảnh hưởng nhiều hệ cơ quan, gây ngừng tim, tử vong. Trường hợp này gọi là sốc phản vệ do thuốc tê.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Thanh, câu hỏi đặt ra là có nên vì các biến chứng, tác dụng mong muốn của thuốc tê hay kỹ thuật gây tê mà không làm phương pháp này. Câu trả lời là không vì khi bệnh nhân làm một kỹ thuật nào thì sẽ được cân nhắc giữa cái lợi bệnh nhân được hưởng và cái hại, cái nguy hiểm. Nếu cái lợi lớn hơn thì sẽ chọn làm phương pháp đó với điều kiện là bác sĩ phải thông tin, giải thích để bệnh nhân hiểu rõ và đồng ý làm.

Mỗi bệnh nhân không phải lúc nào đi mổ cũng có sức khỏe hoàn toàn tốt. Có những người bên ngoài rất trẻ, khỏe nhưng có bệnh ngầm ở bên trong, bệnh còn ở trong giai đoạn chưa lộ rõ triệu chứng để nhận biết. Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh mạch vành, huyết áp, tiểu đường, tắc nghẽn phế quản, động kinh, tâm thần… Tất cả bệnh lý, thuốc điều trị đều có thể phản ứng với thuốc gây tê. Bệnh nhân có vấn đề đường thở, gù vẹo cột sống, cột sống bị biến dạng, bệnh nhân bị đau đớn vì gãy xương... có thể khiến việc bác sĩ đi kim hoặc thao tác gặp khó khăn hơn so với một bệnh nhân bình thường.

Nhiều người thắc mắc tại sao lại không test thử thuốc tê trước khi sử dụng cho bệnh nhân để loại trừ nguy cơ phản ứng dị ứng. Theo Phó giáo sư Thanh, phản ứng của thuốc gây tê thuộc loại dị ứng không qua trung gian miễn dịch. Lần tiếp xúc đầu tiên có thể sốc phản vệ ngay luôn nên nếu làm liều test thì cũng là lúc tạo cho bệnh nhân tiếp xúc lần đầu, có thể bị choáng phản vệ ngay. Như vậy sẽ nguy hiểm hơn nữa nên các bác sĩ không làm liều test mà cứ chích thuốc tê, nếu xảy ra phản ứng đó sẽ xử trí luôn.

Sau khi bệnh nhân sốc phản vệ mà cứu được sẽ ghi thông tin vào hồ sơ bệnh án. Đến lần thứ hai nếu phải thực hiện gây tê sẽ được bác sĩ xem xét để cân nhắc có gây tê hay không. Nếu gây tê là phương pháp có lợi cho bệnh nhân nhất thì khi đó sẽ tiến hành thử thuốc xem bệnh nhân có phản ứng với thuốc tê dự định dùng để thay thế cho loại lần trước. Lần thử này bệnh nhân sẽ được mang vào khu vực an toàn, trang bị đầy đủ để nếu mà trong lúc thử xảy ra một phát sốc phản vệ nữa thì sẽ cứu được. Nếu thử xong vẫn không phù hợp thì phải cho sử dụng một phương pháp khác có thể không tốt bằng gây tê nhưng sẽ an toàn hơn.

"Bác sĩ, kỹ thuật viên gây tê phải luôn giao tiếp với bệnh nhân, dặn bệnh nhân trong lúc chích thuốc nếu hoa mắt, ù tai, có triệu chứng bất thường thì phải báo để ngừng lại. Phải biết rõ tình trạng bệnh nhân để dùng liều lượng thuốc tê thích hợp. Khi gây tê bao giờ phải làm trong điều kiện trang thiết bị đầy đủ như phương tiện cấp cứu hồi sức, có phác đồ, các phương án xử trí khi có biến chứng xảy ra", Phó giáo sư Thanh chia sẻ.

Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến