Việt Nam vừa ghi nhận trường hợp một nhân viên y tế bị rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể nên tự cắt chân của mình. Tối 10/11, anh Khánh 47 tuổi công tác tại một bệnh viện ở Cần Thơ báo anh đang ngủ thì bị ai đó lén cắt cụt một chân. Công an nhận định Khánh tự cắt chân của mình. Người đàn ông kiên quyết không nối lại chân.
Anh Khánh cho biết bị mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (Body Integrity Identity Disorder - BIID) và luôn khao khát được tàn phế từ nhỏ nhưng không nói cho ai biết. Đến khi học ngành y, Khánh tự tìm hiểu về căn bệnh của mình. Bệnh không thể chữa trị nên anh nghĩ ra cách loại bỏ một chân vốn là bộ phận bị não bộ xem như dư thừa.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Chăm sóc giảm nhẹ - Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhiều nhà tâm lý và thần kinh trên thế giới đã nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ dẫn đến chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể, song đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Thực tế ghi nhận có nhiều nguyên nhân thúc đẩy một người tự cắt cụt chi hoặc một bộ phận trên cơ thể mình, trong đó có các nguyên nhân của bệnh lý tâm thần.
Nguyên nhân bệnh tâm thần thường gặp nhất là tâm thần phân liệt và các rối loạn loạn thần. Trong lúc có hoang tưởng và ảo giác, người bệnh tự cắt cụt chi, bộ phận sinh dục hoặc các cơ quan giác quan vì nghĩ nó không thuộc về mình hay do ảo thanh sai khiến. BIID còn được biết đến với thuật ngữ y học là Xenomelia. Dù vậy bệnh lý còn nhiều tranh cãi, trong sách phân loại bệnh tật quốc tế ICD 10 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không ghi nhận rối loạn này như là một bệnh lý riêng biệt.
Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân BIID chỉ muốn cắt bỏ bộ phận cơ thể mà họ cho là thừa chứ không muốn làm điều tương tự với những người bên cạnh. Sau khi tự làm tổn thương cơ thể, bệnh nhân vẫn cảm thấy đau đớn nên đến cơ sở y tế nhờ bác sĩ can thiệp. Những dấu hiệu đầu tiên của chứng bệnh này thường xuất hiện từ tuổi dậy thì và tồn tại dai dẳng suốt cuộc đời. Hành vi ấy có thể lặp lại nhiều lần và gây ra tổn thương tiếp theo. Do vậy bác sĩ khuyên cộng đồng nếu thấy một người nào có các biểu hiện của bệnh này nên đưa đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám và tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo Health, rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là chứng bệnh hiếm. Một số chuyên gia tin rằng bệnh bởi một lỗi về thần kinh, trong đó hệ thống "bản đồ" của não không thể nhìn thấy một phần nào đó của cơ thể.
Y học thế giới từng ghi nhận trường hợp bà Chloe Jennings-White 58 tuổi ở Mỹ luôn mong muốn được phẫu thuật cắt bỏ chân để sống cuộc đời của người tàn phế. Người phụ nữ luôn tin rằng cả 2 chân không thuộc về mình nên mong muốn bị liệt từ thắt lưng trở xuống. "Có điều gì đó thôi thúc tôi rằng đôi chân của mình không hoạt động", bà kể.
Chloe hạnh phúc khi được ngồi trên chiếc xe lăn dù bà không bị khuyết tật. Ảnh: Health. |
Lần đầu tiên Chloe nhận ra cơ thể mình khác với những người xung quanh từ 4 tuổi khi đi thăm người dì bị tai nạn phải sử dụng một chiếc nẹp để băng bó chân. "Tôi muốn được như thế quá. Tôi tự hỏi tại sao mình không sinh ra như vậy", Chloe nói. Từ đó, Chloe thường giả vờ bị què chân mỗi khi ở một mình. Bà chơi các môn thể thao mạo hiểm và leo cây cao với hy vọng bị té gãy chân.
Bác sĩ tâm thần học Michael First ở New York chẩn đoán Chloe mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Năm 2010, Chloe đến gặp một bác sĩ nhờ giúp bà trở thành người khuyết tật bằng cách cắt khớp háng và các dây thần kinh xương đùi. Tuy nhiên không đủ tiền chi trả cho ca phẫu thuật lên đến 22.600 USD (gần 500 triệu đồng) nên người phụ nữ đành gác lại ''ước mơ''.
Gần đây bác sĩ Michael First gợi ý bà Chloe nên sử dụng một chiếc xe lăn để được thỏa nguyện vọng sống trong cảm giác của người khuyết tật. "Ban đầu tôi chỉ dám ngồi xe lăn khi ở một mình nhưng sau này tôi đã can đảm tiết lộ bí mật ấy với bạn bè và đồng nghiệp. Hiện tại tôi dành phần lớn thời gian trên xe lăn. Thỉnh thoảng tôi bước ra khỏi xe, đi bộ lên cầu thang hoặc chui vào xe hơi. Tôi thực sự hạnh phúc", Chloe nói.
Jewel Shuping, 30 tuổi ở Carolina cũng mắc căn bệnh trên. Cô luôn mong muốn trở thành người mù. Jewel kể mẹ thường bắt gặp cô đi lại trong phòng tối với vẻ thích thú từ năm 3 tuổi. 6 tuổi cô tỏ rõ cảm giác hạnh phúc khi được đóng giả là người khiếm thị. 16 tuổi, Jewel bắt đầu đeo kính đen dày, 18 tuổi dùng gậy dành cho người mù, 20 tuổi đã đọc được chữ nổi một cách điêu luyện. Từ đó, Jewel tìm mọi cách loại bỏ đôi mắt.
Năm 2006, một nhà tâm lý người Canada đã đồng cảm và giúp Jewel hiện thực hóa ước mơ bằng cách nhỏ thuốc tẩy rửa vào mắt khiến cô mù lòa. "Tôi rất đau đớn cảm thấy 2 mắt mình đang bốc cháy, má cũng bị bỏng rộp. Nhưng tôi hạnh phúc khi nghĩ rằng mình sẽ được trở thành người mù", Jewel kể.
Hơn 6 tháng sau, 2 mắt Jewel mù hoàn toàn và kèm theo các bệnh như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và hư giác mạc. Jewel tâm sự: "Rất nhiều người mắc bệnh như tôi và họ đang cần sự giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân liều mình nhảy từ các mỏm đá chỉ vì muốn hủy hoại đôi chân của họ, điều này rất nguy hiểm".
Thi Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét