Phạm Giang vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ câu chuyện cả gia đình đồng hành cùng mẹ vượt căn bệnh ung thư. Giang nhớ lại cách đây 4 năm, tháng 3/2012, ngày mẹ lên bàn mổ bệnh viện K để cắt bỏ khối u ung thư. Mẹ Giang bị ung thư vú giai đoạn 2, đã bắt đầu di căn. Sau khi mổ xong, mẹ được bác sĩ thông báo là thể trạng quá yếu, không truyền được hóa chất, nếu hóa trị thì chỉ diệt được 30% khối u di căn thôi và diệt tế bào lành nhiều hơn.
Phạm Giang đồng hành cùng mẹ chiến đấu với bệnh ung thư. Ảnh: P.G |
Lúc đó, dù không nói ra nhưng cả nhà ngầm hiểu với nhau là bệnh viện trả mẹ về chờ chết. Cả nhà tuyệt vọng, những người đàn ông trong nhà dù cứng rắn mấy cũng phải khóc, bất lực. Kể từ khi mẹ bệnh, bố Giang ít đi công tác, về nhà sớm hơn, chủ động vào bếp làm việc nhà hơn, giúp mẹ gần như toàn bộ công việc. Bố Giang tìm hiểu các bài thuốc nam, đông y ở Việt Nam, nghe ở đâu có bài thuốc hay thì lùng sục mua về để giúp mẹ vượt qua căn bệnh.
Giang và gia đình đã luôn bên cạnh mẹ để áp dụng các phương pháp chữa ung thư, từ điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống, hỗ trợ tinh thần...
Điều trị bằng uống thuốc:
Các bác sĩ cho mẹ Giang uống thuốc tây sau khi từ bệnh viện về. Giang tìm hiểu, ung thư của mẹ thuộc loại đặc biệt, không phải thuốc nào cũng uống được và thuốc tây không đem lại nhiều hiệu quả. Các bài thuốc cổ truyền, truyền miệng Nam, Đông y, mẹ đều đã thử. Mẹ Giang từng có thời gian làm tại Viện Di truyền nông nghiệp nên tự tìm hiểu và bốc thuốc cho riêng mình với các thảo dược, liều lượng tự do bà tự điều chỉnh. Chủ yếu là dùng linh chi, cây lược vàng. 2 loại dược thảo này sinh ra ở nơi đất xấu, bởi vậy rất khó uống song có thể tiêu được một phần khối u. Hiện nay, mẹ Giang còn ăn thêm cả quả mắc ca, tỏi đen góp phần hỗ trợ chữa bệnh. Giang lưu ý, uống thuốc Nam cần phải cẩn thận vì có thể chữa được bệnh này thì lại gây bệnh khác. Mẹ Giang uống tam thất để giảm đau song lại bị ù tai, suýt bị điếc.
Chế độ dinh dưỡng
Các tế bào ung thư, đặc biệt u ác, là những tế bào rất tham ăn. Khi truyền năng lượng như thức ăn, nước uống, thuốc... vào cơ thể thì những tế bào ác này sẽ hấp thụ trước và phát triển. Các tế bào ung thư hấp thụ Glucose gấp 20 lần tế bào bình thường. Khi bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn di căn thì càng hấp thụ Glucose mạnh, có nghĩa bao nhiêu cơm gạo, hoa quả, đường sữa bệnh nhân ăn hàng ngày sẽ nuôi tế bào ung thư hết chứ không nuôi cơ thể.
Giang cho rằng càng chữa trị thì tế bào ung thư sẽ càng phát triển bởi phẫu thuật, xạ trị, tiêm hóa chất không tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư, ăn uống cũng chủ yếu nuôi tế bào bệnh. Hiểu nguyên lý phát triển của bệnh, Phạm Giang lên thực đơn hàng ngày cho mẹ theo chế độ low carb và high good fat. Bằng việc nâng nồng độ ketone trong máu, giảm glucose tối đa, tế bào ung thư sẽ chết vì thiếu nguồn thức ăn. Giang phải mất rất nhiều thời gian phân tích và động viên mẹ ăn theo chế độ ăn low carb, cụ thể là DAS. Bản thân Giang từng giảm từ 92 xuống 57 kg nhờ chế độ ăn này nên nắm rõ cách thức.
Mẹ Giang đang chiến đấu với căn bệnh ung thư từng ngày bằng chế độ ăn và sinh hoạt điều độ. Ảnh: P.G |
Mẹ Giang áp dụng chế độ ăn này khoảng 1-2 tuần, những cơn đau thuyên giảm hẳn. Nói cách khác, chế độ ăn với người ung thư, tốt nhất tuyệt đối tránh đường và sữa. Những loại tinh bột có chỉ số đường huyết (GI) cao như cơm, bún, phở.... đặc biệt là gạo nếp, xôi cũng gây hại cho người ung thư. Mẹ Giang lấy rau củ quả làm trọng, không ăn nhiều thịt động vật. Thực đơn trong ngày gồm:
- Bữa sáng: Uống nghệ pha với mật ong và tam thất, uống nước linh chi. Ăn rau xanh cùng cá hoặc thịt. Thi thoảng ăn trứng nhưng không dùng nhiều vì trong trứng có B12, ảnh hưởng tới thuốc Tây đang uống.
- Bữa trưa, chiều, tối: Gạo lức hoặc miến, thỉnh thoảng ăn cơm, mì Hàn Quốc. Lượng khoảng 1/2 bát, chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn lúc đói. Đặc biệt là phương pháp ăn gạo lức muối mè có tác dụng rất tốt. Rau xanh có lợi cho người bệnh, hạn chế thịt đỏ. Những loại hoa quả quá ngọt như dưa hấu, dưa vàng, xoài, quýt... không ăn được. Ưu tiên trái cây như táo nhỏ, bơ, mãng cầu… tuy nhiên ăn không quá 2 quả mỗi ngày. Mẹ Giang tự làm tỏi đen và sử dụng bổ trợ.
Trị liệu về mặt tinh thần
Niềm tin vào tương lai là điều quan trọng nhất với người bị bệnh ung thư. Theo Phạm Giang, chính sự chia sẻ từ những người vượt qua được căn bệnh này là cách tạo niềm tin tốt nhất cho người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình chiến đấu với ung thư vú, mẹ Giang còn áp dụng một số phương pháp khác để có tinh thần tốt.
- Phương pháp vẩy tay theo Dịch Cân Kinh: Từ giữa năm 2012, bà đã kiên trì áp dụng cách này, mỗi ngày vẩy tay 2.000 cái. Những lúc bệnh phát tác, bà đều tập vẩy tay để giảm cảm giác đau đớn. Cách này bây giờ bà vẫn thực hiện như một bài tập thể dục.
- Phương pháp ngồi thiền: Cũng như vẩy tay, cách này tuy không trực tiếp chữa bệnh nhưng giúp người bệnh thanh thản, thoải mái hơn để tiếp tục chiến đấu. Hiện nay có nhiều môn phái thiền nên người bệnh có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất với mình.
Giữ ấm cơ thể
Theo Phạm Giang, bệnh ung thư phát triển rất nhanh đối với người có thân nhiệt thấp, người lúc nào cũng yếu, lạnh. "Mẹ tôi là người điển hình. Mùa đông năm 2015, nhiệt độ chung xuống rất thấp, những lúc lạnh nhất thì mẹ đau phải sử dụng tấm thảm nhiệt để giữ ấm cơ thể", chàng trai cho biết.
Hiện tại sức khỏe của mẹ Giang cải thiện hẳn so với 2 năm trước, khối u không phát triển, không di căn sang các bộ phận khác. Đều đặn mỗi tháng bà đến viện để lấy thuốc tây, uống thuốc góp phần tiêu diệt khối u.
Khánh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét