Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam; Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Lưu Phương - Phó trưởng khoa gan mật và tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy - Trưởng khoa gan, Trung tâm Y khoa Medic nhận nhiều câu hỏi của độc giả trong buổi Tư vấn trực tuyến những điều cần biết về viêm gan siêu vi C.
Theo các chuyên gia, những người trong đối tượng nguy cơ (có tiền căn phẫu thuật, truyền máu, nhân viên y tế, nghiện ma túy, xăm mình...) thì nên đi tầm soát thường xuyên để sớm phát hiện bệnh. Khoảng 80% bệnh nhân nhiễm viêm gan C không có các dấu hiệu đặc trưng. Các biểu hiện nếu có cũng không thể phân biệt rõ ràng giữa viêm gan B và viêm gan C. Bởi vậy, chỉ có các xét nghiệm chuyên khoa mới cho phép chẩn đoán và phân loại các viêm gan do virus gây ra.
Hiện đã có nhiều thuốc dạng uống, dễ sử dụng, không tác dụng phụ có thể chữa lành được viêm gan C trong 12 tuần.
Dưới đây là phần tư vấn của các bác sĩ.
- Thưa bác sĩ, ai hay dễ mắc bệnh viêm gan siêu vi C? (ngọc dung, 30 tuổi, hcm)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam:
Chào bạn,
Viêm gan C là bệnh do virus viêm gan C gây ra, do đó, những người có điều kiện tiếp xúc với virus này dễ bị nhiễm và gây ra viêm gan C. Trong thực tế, nhóm người này có thể bao gồm như sau:
- Những người nhận máu và sản phẩm của máu trước khi có những biện pháp sàng lọc có hiệu quả cao.
- Những nhóm người tiêm chích ma túy, do họ chia sẻ chung dụng cụ tiêm mà không được sát trùng đảm bảo, nên có thể lây nhiễm bệnh.
- Những người có quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau như gái mại dâm, đồng tính hoặc những người có nhiều bạn tình...
- Những nhân viên y tế tiếp xúc với máu và sản phẩm của máu cũng có thể bị lây nhiễm.
Ba chuyên gia tư vấn trực tuyến cho độc giả. Ảnh: Hà Mai |
- Bác sĩ cho em hỏi: mẹ em đã đi khám và bảo bà là bị nhiễm viêm gan siêu vi C. Mẹ em đã thử máu để lên phác đồ và chọn thuốc điều trị thích hợp với thời gian điều trị ba tháng với chi phí 45 triệu đồng. Vậy cho bác sĩ cho em hỏi vậy điều trị theo phác đồ bệnh có hết dứt điểm không, hiệu quả và có nhiễm bệnh lại không? (Din truong sang, 39 tuổi, An Giang)
- Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Lưu Phương - Phó trưởng khoa gan mật và tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:
Chào bạn,
Với những phác đồ mới nhất hiện nay trong điều trị viêm gan C mà chúng tôi gọi là các phác đồ sử dụng nhóm DAA đạt hiệu quả cao, tỷ lệ lành bệnh và không tái phát trên 90%. Tôi không khám bệnh trực tiếp cho mẹ của bạn nhưng nếu bà đang ở giai đoạn chưa xơ hóa gan hoặc chỉ ở gia đoạn F1 thì tỷ lệ thành công lên đến 95-99%. Do đó, bạn có thể yên tâm điều trị với phác đồ ba tháng là đủ.
- Em bị viên gan siêu vi B một thời gian rồi, tuy nhiên men gan em cao lắm, như vậy có khi nào chuyển sang viêm gan siêu vi C không ạ? (Nguyễn Tiến Dũng, 29 tuổi, Quân Tân Bình)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C do hai tác nhân gây bệnh hoàn toàn khác nhau. Viêm gan siêu vi B do virus viêm gan B gây ra, còn viêm gan C do virus viêm gan C.
Trong dân gian thường có quan niệm sai lầm cho rằng viêm gan B biến chuyển một thời gian sẽ thành viên gan C. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi vậy, bạn bị viêm gan B dù men gan cao cũng không bao giờ thành viêm gan C. Bạn chỉ cần theo dõi và điều trị viêm gan B mà thôi.
Có một số ít người có thể bị nhiễm đồng thời cả virus viêm gan B và C. Những trường hợp này chỉ xét nghiệm mới phân biệt được.
- Bác sĩ cho em hỏi chế độ ăn uống cho người bị viêm gan siêu vi C như thế nào ạ? (Lê Công An, 54 tuổi)
- Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy - Trưởng khoa gan, Trung tâm Y khoa Medic:
Không có sự khác biệt cho từng loại viêm gan A, B, C... Tùy theo tình trạng và giai đoạn của bệnh, nếu bệnh nhân ở giai đoạn viêm gan cấp thì nên nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu, hoàn toàn tránh mỡ động vật, rượu bia, thuốc lá, phải ăn nhiều trái cây như cam, chuối, uống nhiều nước. Bệnh nhân có thể dùng những loại đạm dễ tiêu như đậu nành, cá...
Nếu bệnh nhân ở giai đoạn mãn tính, nhưng mức độ xơ hóa nhẹ thì có thể ăn uống gần như bình thường, chỉ hạn chế chất béo động vật, rượu bia, có thể dùng dầu thực vật. Bạn nên ăn nhiều rau quả, trái cây, đặc biệt những trái cây có những sinh tố có lợi cho gan như cam, chuối, ổi, lê, táo. Bệnh nhân nên có chế độ ăn uống cân bằng giữa glucid khoảng 40-50%, protid 30-40%, lipid 10-20%.
Nếu bệnh nhân đã có xơ gan, chế độ ăn uống nên tùy theo bác sĩ hướng dẫn, chủ yếu nên dùng những loại đạm đã có chế biến dễ tiêu như đậu hũ, đậu nành, hạn chế muối, kiêng hẳn rượu bia.
- Chào bác sĩ, em đã tiêm ngừa viêm gan siêu vi B và siêu vi C cách đây hơn 10 năm. Đợt trước em đi xét nghiệm ở trung tâm y tế dự phòng của thành phố thì bên đó bảo kháng thể còn quá ít và đề xuất tiêm nhắc lại, không rõ là việc đó có cần thiết hay không ạ? (Tấn Thành, 23 tuổi, Q11, HCM)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Cho đến nay, mới chỉ có văcxin đối với virus viêm gan B, còn chưa có văcxin đối với virus siêu gan C, như vậy chắc bạn chỉ tiêm văcxin viêm gan B mà thôi.
Khi nồng độ kháng thể chống lại virus viêm gan B hạ xuống quá thấp, có thể tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc này là không cần thiết, bởi vì sức đề kháng chống lại virus viêm gan B ngoài kháng thể còn có thể do các tế bào miễn dịch.
Vì thế, bạn có thể không nhất thiết phải tiêm lại.
- Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh viêm gan (A, B, C), và bệnh này có lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường hay không. Việc ăn uống chung mâm có bị lây nhiễm hay không? Nếu có thì cách phòng ngừa như thế nào?
Xin cảm ơn! (Le Van, 43 tuổi, Quận 3, TP.HCM)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
1. Viêm gan A lây qua đường tiêu hóa. Vậy bạn ăn uống không sạch hoặc ăn chung mâm đũa với người viêm gan A thì có thể bị lây. Cách phòng ngừa đơn giản nhất chỉ có sáu chữ "Ăn chín, uống sôi, rửa sạch".
2. Viêm gan B lây lan giống như đường lây của HIV, tức là qua đường máu, đường tình dục không an toàn và mẹ sang con khi mang thai, sinh đẻ. Để phòng ngừa:
- Nên đi xét nghiệm tầm soát xem bạn có bị nhiễm viêm gan B chưa, dù bạn rất khỏe mạnh. Nếu chưa bị, cách đơn giản nhất là chủng ngừa, vì bệnh này đã có thuốc ngừa.
- Tình dục an toàn vừa giúp ngừa viêm gan B, HIV và những bệnh lây qua đường tình dục khác như lậu, giang mai...
- Không dùng chung những dụng cụ có thể dính máu như kim chích, dao cạo râu, dụng cụ làm móng tay - chân, bàn chải đánh răng...
- Trẻ em sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm viêm gan B cần được tiêm ngừa kháng thể thụ động trong vòng 24h sau khi sinh, phối hợp với tiêm văcxin ngừa viêm gan B tích cực, theo đúng phác đồ.
3. Viêm gan C lây lan chủ yếu qua đường máu, ngoài ra cũng lây lan qua đường tình dục không an toàn và cũng lây từ mẹ sang con, nhưng các đường lây này rất ít mà chủ yếu là lây qua đường máu. Do đó, cách phòng ngừa cũng giống như phòng ngừa viêm gan B và HIV. Tuy nhiên, khác viêm gan B, bệnh này chưa có thuốc chủng ngừa. Ngoài ra, việc tầm soát nhiễm viêm gan C dù chưa có triệu chứng và sau đó điều trị tích cực, nếu bị nhiễm viêm gan C cũng giúp giảm nguồn lây lan trong cộng đồng, nhất là những người sống chung.
- Chào các bác sĩ, em thấy việc chích ngừa viêm gan siêu vi C là cần thiết, nhưng không rõ là bao lâu thì phải kiểm tra lại một lần và có hy hữu là đã chích nhưng một thời gian ngắn sau vẫn nhiễm hay không? (Mỹ Chi, 19 tuổi, Sóc Trăng)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Hiện nay trên thế giới chưa có văcxin ngừa viêm gan C. Vì vậy, chúng ta chỉ ứng dụng những biện pháp dự phòng lây lan đối với viêm gan C mà thôi.
Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam. Ảnh: Hà Mai |
- Thưa bác sĩ, dựa vào những yếu tố, biểu hiện như thế nào để biết mình đã hoặc đang bị viêm gan siêu vi C ? (Trần Minh Toàn, 25 tuổi, tp.HCM)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt::
Chào bạn,
Khoảng 80% bệnh nhân nhiễm viêm gan C không có các dấu hiệu đặc trưng và các biểu hiện nếu có cũng không thể phân biệt rõ ràng giữa viêm gan B và viêm gan C. Bởi vậy, chỉ có các xét nghiệm chuyên khoa mới cho phép chẩn đoán và phân loại các viêm gan do virus gây ra.
- Thưa bác sĩ, làm thế nào đề phòng tránh viêm gan C? Những dấu hiệu nào để biết là mình bị bệnh này? Bệnh có thể chữa trị khỏi không?
Nhờ các chuyên gia tư vấn giúp! (Trần Tâm Đức, 34 tuổi, Long An)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Hiện tại chỉ có văcxin tiêm ngừa viêm gan B, mà chưa có văcxin viêm gan C. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh này, chúng ta phải tránh những đường lây sau đây:
- Cẩn thận khi dùng máu hay các chế phẩm từ máu, nhân viên y tế làm việc có bảo hộ, không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay cắt móng tay với người bệnh, không xăm mình, xỏ lỗ tai mà không có vệ sinh. Nếu bệnh nhân phải trải qua những cuộc phẫu thuật hay chạy thận nhân tạo nên kiểm tra viêm gan C thường xuyên.
- Quan hệ tình dục lành mạnh.
- Phụ nữ có thai nên xét nghiệm, kiểm tra viêm gan C.
Viêm gan C được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng", cho nên không có triệu chứng đặc trưng nào để nhận biết bệnh. Vì vậy, chúng ta nên tầm soát bệnh thì mới phát hiện sớm. Những người trong đối tượng nguy cơ (có tiền căn phẫu thuật, truyền máu, nhân viên y tế, nghiện ma túy, xăm mình...) thì nên đi tầm soát thường xuyên.
Ngoài ra, có những dấu hiệu có thể xẩy ra như: mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, đau hạ sườn phải, giảm khả năng tập trung, mất ngủ, ngứa... Đôi khi bệnh nhân cũng xảy ra ở những bệnh khác về đường tiêu hóa hay mệt mỏi mà không để ý, nên không đi khám bệnh.
Hiện tại, đã có nhiều thuốc dạng uống, dễ sử dụng không tác dụng phụ có thể chữa lành được viêm gan C trong thời gian ngắn trong vòng 12 tuần. Nếu bạn bị viêm gan C nên đến bác sĩ chuyên khoa điều trị sớm, tránh dẫn tới tình trạng xơ gan, ung thư gan.
- Theo như bài đọc, thì tuân theo phát đồ điều trị kiên trì thì nhiễm viên gan siêu vi C sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, vậy viêm gan siêu vi B nếu điều trị có khả năng chưa khỏi hoàn toàn không? Và khi nào mới được điều trị. Chỉ số men gan bình thường, nhưng nồng độ vi rút lớn hơn 10^9, có được điều trị? Trẻ mắc bệnh siêu vi B lúc nhỏ, sẽ được theo dõi và điều trị như thế nào? Rất mong các bác sĩ trả lời giúp, ngoài thông tin về viêm gan C. (Phạm Le Thien Kieu, 30 tuổi, 41/21 Mai Lão Bạng, p13, Quận Tân Bình)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Viêm gan B hiện tại đã có thuốc thuốc điều trị. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải kéo dài gần như liên tục vì đặc điểm của bệnh này là thuốc chỉ ức chế không cho siêu vi B sinh sản nhân đôi để tấn công gan. Nhưng, mầm bệnh viêm gan B vẫn còn nằm ẩn trong cơ thể. Do đó, khi ngưng thuốc là bệnh sẽ tái phát. Khi quyết định điều trị bệnh này, bác sĩ sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố: ví dụ như tiền sử gia đình, chỉ sớ men gan, độ cứng của gan, hàm lượng virus đang sinh sản trong máu, tuổi của bệnh nhân. Tuy tôi không khám bệnh trực tiếp trường hợp này, nhưng với một vài thông số bạn cung cấp thì có thể tôi sẽ theo dõi thêm ba đến sáu tháng nữa. Quyết định cuối cùng vẫn là bác sĩ trực tiếp theo dõi và khám bệnh cho bạn.
Trẻ em mắc bệnh viêm gan B từ lúc nhỏ, thông thường ít khi bùng phát tấn công gan và gây xơ gan trước 18 tuổi. Do đó, thông thường chúng tôi sẽ theo dõi định kỳ một lần trong năm, nếu có bùng phát sẽ tiến hành điều trị. Sau 18 tuổi, tôi sẽ theo dõi định kỳ một đến hai lần mỗi năm, dù bệnh nhân vẫn rất khỏe mạnh và làm việc rất tốt.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương. Ảnh: Hà Mai |
- Thưa Giáo sư, em bị viêm gan C xét nghiệm tuýp 1, đã chích thuốc - uống thuốc 18 tháng và xét nghiệm âm tính ba năm rồi (năm nào em cũng xét nghiệm lại). Vậy cho em hỏi, em có nên uống thêm thuốc gì và kiêng cữ, ăn uống gì để không bị tái nhiễm lại ? Cảm ơn Giáo sư ạ. (Nguyễn Thanh Bằng, 41 tuổi, 375 NTMK- Qui nhơn -Bình Định)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Đối với viêm gan C, sau khi đã chữa lành có nghĩa là không có mặt virus viêm gan C trong xét nghiệm máu với một kỹ thuật có độ nhạy bén cao khi đã ngưng thuốc điều trị tối thiểu từ 12 đến 24 tuần.
Theo những gì bạn nói thì xét nghiệm máu của bạn sau ba năm vẫn âm tính với virus viêm gan C, có nghĩa là bạn đã lành hẳn bệnh. Vì thế, bạn không cần thiết phải xét nghiệm thêm nữa. Hiện nay cũng không có các loại thuốc ngừa bệnh viêm gan C.
Bạn không phải kiêng cữ đặc biệt gì hết. Tuy nhiên, bia, rượu và một số chất có thể ảnh hưởng đến gan thì nên tránh.
Bạn cũng nên lưu ý sau khi lành bệnh viêm gan C, nếu tiếp xúc lại với virus viêm gan C thì có thể bị tái nhiễm, nên vẫn cần có các biện pháp tránh lây lan bệnh.
- Bị viêm gan siêu vi C thì tác động như nào đến cơ thể của người bệnh? (Trần Phương Nhưng, 27 tuổi, Đà Nẵng)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Khi bị nhiễm virus viêm gan B ở tuổi nhỏ, 90% sẽ chuyển thành nhiễm mãn tính. Nếu nhiễm ở tuổi trưởng thành, chỉ 10% mới chuyển thành nhiễm mãn tính. Đối với virus viêm gan C, khi nhiễm dù ở lứa tuổi nào thì 80% bệnh nhân chuyển thành nhiễm mãn tính, rất khó thải trừ siêu vi ra khỏi cơ thể. Nếu nhiễm ở tuổi càng lớn thì bệnh càng nặng.
Sau khi nhiễm virus viêm gan C 10 năm, 70% người bệnh có viêm gan mãn tính. Sau 20 năm 30% người có xơ gan, sau 30 năm 15% người có ung thư gan.
Trong một năm, nếu bệnh nhân bị viêm gan C có xơ gan thì 3,3% có ung thư gan và 4% tử vong.
Nếu bệnh nhân viêm gan C có xơ gan mất bù (tình trạng nặng) thì khả năng sống 5 năm chỉ 50%. Vì vậy, khi có nhiễm virus viêm gan C thì nên điều trị sớm để tránh những biến chứng trên.
Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy (bên trái). Ảnh: Hà Mai |
- Tôi được biết virus viêm gan C có nhiều genotype khác nhau, vậy để phát hiện mình bị mắc genotype gì thì cần xét nghiệm gì? Chi phí điều trị ra sao? Tôi có biết thông tin trên thế giới có loại thuốc điều trị tất cả các genotype của virus này, không biết thuốc này đã có tại Việt Nam chưa? (Huy, 35 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Hiện ở Việt Nam chưa có thuốc điều trị viêm gan C cho tất cả genotype (kiểu gen), vì vậy trước khi điều trị bệnh nhân nên xét nghiệm kiểu gen để dùng thuốc phù hợp.
Về chi phí điều trị, tùy theo tình trạng của bệnh nhân và thuốc sử dụng (khoảng 12 triệu đồng trong 4 tuần - thời gian điều trị trung bình khoảng 12 tuần).
Thuốc điều trị cho tất cả các genotype trong tương lai gần sẽ có ở Việt Nam.
- Tôi đã điều trị viêm gan C từ năm 2010, xét nghiệm hiện tại định lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, nhưng xét nghiệm máu vẫn dương tính với viêm gan C. Vậy với kết quả định lượng dưới ngưỡng phát hiện và xét nghiêm máu như vậy tôi có phải điều trị gì không? Có cách nào điều trị hết virus viêm gan C để âm tính được không? Bây giờ có thuốc uống không cần tiêm như trước đây phải không thưa bác sĩ? (Ngoc pham, 47 tuổi, ha noi)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Đúng, hiện tại đã có thuốc uống không cần tiêm, gần như rất hiếm tác dụng phụ và thời gian điều trị cũng ngắn hơn, thông thường là ba tháng. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài sáu tháng là tối đa.
Tuy không khám bệnh trực tiếp cho bạn, nhưng với những thông tin cung cấp trên, tôi dự đoán:
- Hiện tại virus viêm gan C đã hết và không còn sinh sản trong người bạn nữa.
- Xét nghiệm mà bạn nói dươngg tính hiện tại, tôi dự đoán là anti-HCV. Đây là câu hỏi mà rất nhiều người luôn thắc mắc trong thực tế làm việc hàng ngày của tôi, nhưng thực sự xét nghiệm này sẽ tồn tại dương tính gần như suốt đời của bạn. Vì đây chỉ là xét nghiệm phát hiện được cơ thể bạn từng tiếp xúc với virus viêm gan C và các tế bào bạch cầu trong cơ thể bạn có phản ứng "nhớ" việc chúng đã gặp con virus viêm gan C này, nên nó tiết ra một chất phản ứng lại điều đó. Có thể hiểu nôm na là bạn đã bị phụ tình quá nhiều nên bây giờ trong tình yêu, bạn nhìn đâu cũng thấy là lừa đảo.
Việc bạn cần làm bây giờ là:
- Kiểm tra lại xem thực sự nồng độ virus viêm gan C trong máu của bạn có còn hay không (HCV-RNA).
- Theo dõi định kỳ với bác sĩ chuyên khoa ít nhất mỗi năm một lần vì mặc dù bạn đã điều trị khỏi hoàn toàn viêm gan C, nhưng tỷ lệ xuất hiện xơ gan và ung thư gan của bạn vẫn cao hơn người hoàn toàn khỏe mạnh từ trước đến giờ.
- Xin chào bác sĩ, ba tôi trước đây bị viêm gan siêu vi C. Những người trong gia đình đã đi xét nghiệm không bị. Hiện ba tôi đã mất cách đây 2 năm, vậy theo thời gian những người trong gia đình tôi có thể bị bệnh hay không? Cách phòng tránh bệnh này thế nào?
(Ngoc Phuong, 40 tuổi, Binh Thanh, TP. HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Virus viêm gan C lây qua đường máu là chủ yếu (truyền máu, phẫu thuật, tiêm chích, xăm mình...), đường tình dục, mẹ mang thai lây qua con. Vì vậy, ba của bạn khó có thể lây bệnh cho bạn khi ông ấy đã mất. Nếu bạn đã từng dùng chung dao cạo râu, đồ cắt móng tay với người bệnh thì nên đi tầm soát.
Hiện ba bạn đã mất, gia đình bạn vẫn nên đi tầm soát, kiểm tra xem có bị nhiễm virus viêm gan C hay không để có hướng theo dõi và điều trị kịp thời.
- Cha cháu năm nay 63 tuổi, cách đây một tháng kiểm tra sức khỏe xét nghiệm bị viêm gan C dương tính. Cháu xin hỏi thời gian điều trị là bao lâu mới hết bệnh? Bệnh này có phân biệt nhiều hay ít mà ảnh hưởng đến thời gian điều trị cũng như chi phí không thưa bác sĩ? Chi phí điều trị khoảng bao nhiêu? Có thể dùng thuốc nam được không bác sĩ? Nếu để khoảng vài tháng hay một năm sau mới điều trị thì bệnh có bị nặng thêm không thưa bác sĩ? (vì khả năng tài chính chưa đủ). Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ nhiều! (Huỳnh Chí Nguyện, 33 tuổi, 263/19 Đường Phú Lợi- Khóm 3 - Phường 2- TP Sóc Trăng- Tỉnh Sóc Trăng)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Với trường hợp của ba bạn, nhiều khả năng là ông chưa có triệu chứng gì bên ngoài gây khó chịu. Nhưng với lứa tuổi này đôi khi bệnh nhân không thấy khó chịu. Đến lúc khám bệnh thực tế thì có thể gan đã hơi cứng rồi. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, và ngay cả ở Việt Nam đã có những loại thuốc mới nhất như thế giới, tức là nhóm thuốc DAA có hiệu quả cao trong điều trị viêm gan C. Nếu trường hợp ba của bạn bị gan đã xơ cứng thì có thể cần điều trị đến sáu tháng, còn đa số trường hợp chỉ cần ba tháng là đủ.
Việc dùng thuốc nam thì tôi không có ý kiến phản đối hay khuyến cáo, nhưng có một điều chắc chắn là chưa có những nghiên cứu thực nghiệm so sánh để kết luận là thuốc có hiệu quả thực sự, trong khi những nhóm thuốc hiện tại trước khi được lưu hành đã trải qua nhiều nghiên cứu lớn, so sánh trên người thật và xác nhận là có hiệu quả thì các bác sĩ mới kê toa.
Trường hợp của ba bạn tốt nhất nên đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa để xem xét điều trị sớm vì theo kinh nghiệm thực tế của tôi, hiện các thuốc điều trị viêm gan C đã giảm đi rất nhiều cho một phác đồ khoảng ba tháng, không quá đắt như bạn nghĩ.
- Thưa Giáo sư, viêm gan C có dẫn tới tử vong hay không? (Hoàng Nam, 32 tuổi, HCM)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Viêm gan C có thể gây tử vong. Trong thực tế, viêm gan C kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan hoặc biến chứng thành ung thư gan. Đây là những biến chứng gây tử vong chính ở những bệnh nhân bị viêm gan C mãn tính.
Tuy nhiên, hiện nay đã có thuốc uống điều trị với hiệu quả rất cao (trên 95%) và an toàn (hầu như không có phản ứng phụ) nên nếu điều trị sớm thì có thể lành hoàn toàn. Nếu điều trị ở giai đoạn xơ gan thì hiệu quả kém hơn, vẫn có thể xảy ra biến chứng vì đã xơ gan.
- Những rào cản người bệnh thường hay gặp khi điều trị bệnh viêm gan C? Người bệnh có nhận được sự hỗ trợ gì từ cơ quan y tế hay không? (Nguyễn Cao Minh, 35 tuổi, Quậ 7, Tp HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Hiện tại viêm gan virus C đã có thuốc điều trị hiệu quả, nhưng không phải tất cả bệnh nhân đều được điều trị có những khó khăn sau:
- Lý do kinh tế là quan trọng nhất, vì hiện tại thuốc điều trị bệnh này khá đắt tiền so với thu nhập người dân bình thường.
- Bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị liên tục, do vậy nhiều người hay quên uống thuốc.
- Bệnh nhân phải thường xuyên khám bác sĩ, có thể là hàng tháng nên làm ảnh hưởng tới công việc.
- Nhiều bệnh nhân không ý thức được sự nguy hiểm của bệnh nên không điều trị phù hợp.
- Một số bệnh nhân hay tự dùng lá cây uống hay tự lên mạng tìm hiểu và tự dùng thuốc.
Hiện thuốc chữa bệnh viêm gan C uống chưa có trong danh mục bảo hiểm y tế, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có thay đổi. Cũng đã có nhiều tổ chức nước ngoài giúp đỡ điều trị cho bệnh nhân nghèo, một số bệnh nhân cũng được dùng thuốc miễn phí trong các thử nghiệm lâm sàn về thuốc.
- Thưa bác sĩ, nam hay nữ bị viêm gan C có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản không ạ? (mạnh hùng, 31 tuổi, hcm)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Viêm gan C có thể ảnh hưởng gián tiếp vấn đề sinh sản qua tình hình sức khỏe chung. Tuy nhiên, virus viêm gan C không gây nên những đột biến dị dạng thai nhi.
- Tôi bị viêm gan virus, khi siêu âm kết luận nhu mô gan thô. Vậy nhờ bác sĩ tư vấn cho cách điều trị viêm gan C hiệu quả và sử dụng liệu trình như thế nào, vì kết quả của tôi là gennotuyp 4. Xin cảm ơn bác sĩ. (Vũ thành đô, 61 tuổi, 29/61 Lê Đức thọ, P7, q gò vấp)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Trường hợp của bạn nếu đúng là viêm gan C mà siêu âm như vậy thì nhiều khả năng gan của bạn đã hơi cứng lại rồi. Bạn cần đi khám bệnh với bác sĩ chuyên khoa để xét nghiệm thêm, đánh giá toàn diện về chức năng gan và tiến hành điều trị ngay.
Bệnh của bạn thuộc gennotuyp 4, tôi xin sửa lại là genotype 4 (tức là bạn bị nhiễm virus viêm gan C kiểm gen số 4). Kiểu gen này rất ít gặp ở Việt Nam, nhưng ở Việt Nam vẫn có loại thuốc điều trị kiểu gen này với thời gian ba tháng và tỷ lệ thành công hơn 90%. Bạn yên tâm nhé!
- Thưa bác sĩ cách chính xác nhất để phát hiện mình nhiễm virus viêm gan C là đi thử máu. Vậy nên đi xét nghiệm tầm soát bệnh viêm gan siêu vi C bao lâu một lần là tốt nhất ạ? (Nguyễn Thành Trung, 30 tuổi, Quận 3, Tp HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Để phát hiện nhiễm virus viêm gan C chính xác nhất vẫn là thử máu. Tùy theo đối tượng bệnh mà chúng ta nên tầm soát bao nhiêu lâu một lần.
Đối với người khỏe mạnh bình thường, không có nguy cơ thì nên tầm soát mỗi năm một lần.
Đối với những người trong đối tượng nguy cơ (có chồng hoặc vợ bị nhiễm bệnh, người tiếp xúc chế phẩm máu, nhân viên y tế, có phẫu thuật, tiêm chích...) thì nên tầm soát 3-6 tháng một lần.
Đặc biệt, với những người chạy thận nhân tạo thường xuyên, người nghiện ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi thì nên xét nghiệm 1-3 tháng một lần.
- Thưa bác sĩ, virus viêm gan C có thể lây qua đường tình dục, xăm hình, xỏ lỗ tai, tiếp xúc trong gia đình... hay không ạ? (Nguyễn Thành Tài, 25 tuổi, Quân 4)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Đường tình dục là một trong ba đường lây nhiễm chính của virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, từ bệnh nhân viêm gan C chỉ khoảng 5% (thấp hơn lây nhiễm từ mẹ sang con của viêm gan B).
Xăm hình, xỏ lỗ tai là những can thiệp có gây tổn thương chảy máu, nên chúng là những con đường có thể lây nhiễm.
Còn tiếp xúc thường ngày trong gia đình như ăn uống, bắt tay... không bị lây nhiễm. Vì vậy, bệnh nhân viêm gan C có thể sống chung cùng gia đình, không phải cách ly, chỉ cần lưu ý tránh lây nhiễm từ việc dùng chung dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng...
- Em bị viêm gan B, cứ lâu lâu đi xét nghiệm bác sĩ thấy men gan cao phải uống thuốc, em phải làm gì trị cho dứt điểm. Em có hút thuốc lá nửa gói một ngày, rượu bia thì hoàn toàn không. (NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, 45 tuổi, 102/19/11 Lê văn thọ ,P11, Gì vấp , HCM)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Bạn không uống bia là rất tốt, nhất là những người đã bị nhiễm viêm gan B như bạn.
Tuy không khám bệnh cho bạn, nhưng qua lời kể về diễn biến bệnh của bạn, tôi dự đoán bạn bị viêm gan B mãn thể hoạt động. Thể này khả năng diễn tiến thành xơ gan và ung thư gan rất cao. Bạn cần được theo dõi tích cực với bác sĩ chuyên khoa và điều trị liên tục kéo dài, chứ không được ngưng thuốc và điều trị ngắt quãng như vậy, vừa dễ kháng thuốc, lại dễ biến chứng thành xơ gan. Vì vậy, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để xét nghiệm chuyên sâu và theo dõi sát hơn về bệnh viêm gan B của bạn.
- Hiện nay tại Việt Nam các phác đồ điều trị viêm gan C mới nhất là gì? Hiệu quả như thế nào thưa bác sĩ? (Lưu Ngọc Bảo, 32 tuổi, Quận 4, Tp HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Tháng 9/2016 Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm gan virus C" dựa theo những phác đồ mới nhất của Hiệp hội nghiên cứu bệnh gan Mỹ, châu Âu và châu Á Thái Bình Dương.
Theo hướng dẫn này, chúng ta điều trị được viêm gan C chưa có xơ gan, xơ gan, xơ gan còn bù, xơ gan mất bù; điều trị được cho bệnh viêm gan C kèm suy thận, viêm gan C đã có thất bại với những điều trị trước. Hiệu quả thành công khoảng trên 95%.
Hiện đã có đầy đủ các loại thuốc ở Việt Nam xuất xứ từ Ấn Độ, vài loại thuốc từ Mỹ...
- Xin bác sĩ cho hỏi dấu hiệu của bệnh viêm gan C là gì? Có nguy hiểm? Và có cách nào phòng ngừa? (Huỳnh Vân, 37 tuổi, HCM)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Bệnh viêm gan C nguy hiểm vì giai đoạn đầu gần như không có biểu hiện gì rõ rệt. Khi có biểu hiện rõ như vàng da hay phù chân, bụng bự thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Việc điều trị bệnh này sẽ có nhiều hạn chế. Ngoài ra, viêm gan C là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan.
Bệnh viêm gan C mãn tính có ba giai đoạn:
- Giai đoạn yên lặng: bệnh nhân vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường.
- Giai đoạn tấn công: 80-90% không có biểu hiện gì rõ, chỉ có vài triệu chứng như hay mệt mỏi, khó tiêu, ăn không ngon. 10-20% còn lại có thể có biểu hiện nổi mẩn đỏ ở da, ngứa, vàng da và gan to, tức nặng vùng gan (vùng bụng trên bên phải).
- Giai đoạn xơ cứng gan và ung thư gan: biểu hiện rất rõ ràng như vàng da, vàng mắt, phù chân, bụng to, thậm chí xuất huyết tiêu hóa.
Cách phòng ngừa bạn có thể tham khảo một số câu trả lời bên trên nhé!
- Chào Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chồng tôi mắc bệnh viêm gan C. Ngay khi phát hiện, đã điều trị trong ba tháng tại một bệnh viện ở TP HCM. Sau ba tháng, chồng tôi được báo đã hết bệnh, virus đã được loại hết. Dù khỏi bệnh, chồng tôi vẫn lo lắng những điều sau:
- Bệnh này có tái phát hay không và điều gì khiến bệnh tái phát, tôi muốn biết để phòng ngừa.
- Tôi biết bệnh này cần tránh rượu, bia, thuốc lá, nhưng không biết cà phê có bị ảnh hưởng không. Vậy thưa bác sĩ, cà phê có làm gan có bị suy yếu hay không, virus có tấn công trở lại nếu gan suy yếu hay không.
- Tôi biết mỗi năm nên tái khám ba đến bốn lần. Chồng tôi ở Đà Lạt, phải điều trị ở TP HCM, mỗi lần xuống tái khám thì quá xa, vậy chồng tôi có thể tái khám ngay Đà lạt hay không? Đi xét nghiệm máu để kiểm tra xem men gan có ổn định là được hay phải xuống TP HCM để khám định kỳ thì mới đúng? Chân thành cảm ơn ạ. (Ngọc Hiếu, 39 tuổi, Q1)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Nếu sau khi kết thúc điều trị từ 12 đến 24 tuần, trong máu chồng bạn không phát hiện thấy virus viêm gan C với kỹ thuật có độ nhạy cao thì sẽ được xem là lành bệnh. Một khi đã lành bệnh thì bệnh sẽ không tái phát, tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị tái nhiễm nếu lại tiếp xúc với virus viêm gan C. Vì vậy, sau khi lành vẫn phải đề phòng lây truyền.
Bia, rượu bản thân nó là những thức uống có thể gây xơ gan. Vì vậy, nếu bị viêm gan C mà vẫn dùng bia rượu khiến cho gan tổn thương nặng hơn, tiến chuyển đến xơ gan nhanh hơn. Uống cà phê không ảnh hưởng đến bệnh lý tại gan mà thậm chí một số nghiên cứu còn cho thấy cà phê có tác dụng tốt đến gan.
Khi đã chữa lành viêm gan C ở giai đoạn chưa xơ gan, thì chồng bạn không cần thiết phải theo dõi ở trung tâm chuyên khoa về gan. Đồng thời có thể theo dõi tại cơ sở y tế thích hợp ngay tại địa phương.
- Nếu đã từng nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B thì có nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi C không? Cách phân biệt giữa viêm gan B và viêm gan C như thế nào thưa bác sĩ. (Nhật Hào, 41 tuổi, Quận 1, Tp HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Hiện có 6 loại virus gây viêm gan A, B, C, D, E, G. Vì vậy, viêm gan virus B và C là hai loại khác nhau không như một số bệnh nhân lầm tưởng rằng viêm gan B lâu ngày thành viêm gan C.
Do vậy, người bị viêm gan B vẫn có nguy cơ bị nhiễm viêm gan C như những người chưa từng nhiễm. Nếu bệnh nhân nhiễm B nằm trong những yếu tố nguy cơ thì có khả năng nhiễm cùng lúc hai loại siêu vi.
Để phân biệt virus viêm gan B và C bệnh nhân phải làm xét nghiệm máu. Văcxin ngừa viêm gan B chỉ ngừa được bệnh viêm gan B vẫn còn khả năng nhiễm virus viêm gan C.
- Viêm gan siêu vi C có chữa được không? Dấu hiệu nhận biết của bệnh là gì? (Khanh - Bi Bo, 28 tuổi, Di Linh, Lâm Đồng)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Bệnh viêm gan C mãn tính có ba giai đoạn:
- Giai đoạn yên lặng: bệnh nhân vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường.
- Giai đoạn tấn công: 80-90% không có biểu hiện gì rõ, chỉ có vài triệu chứng như hay mệt mỏi, khó tiêu, ăn không ngon. 10-20% còn lại có thể có biểu hiện nổi mẩn đỏ ở da, ngứa, vàng da và gan to, tức nặng vùng gan (vùng bụng trên bên phải).
- Giai đoạn xơ cứng gan và ung thư gan: biểu hiện rất rõ ràng như vàng da, vàng mắt, phù chân, bụng to, thậm chí xuất huyết tiêu hóa.
Hiện tại bệnh viên gan C ở Việt Nam đã có các loại thuốc điều trị theo phác đồ mới, ít tác dụng phụ, tỷ lệ thành công cao, thông thường chỉ cần ba tháng là đủ và quan trọng là không phải chích thuốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần được xét nghiệm kiểm tra xem có bị nhiễm viêm gan C không dù bạn chưa có triệu chứng gì cả, vì phát hiện ở giai đoạn này thi việc điều trị đơn giản, mà tỷ lệ thành công rất cao, có thể lên đến 99%.
- Thưa bác sĩ, tôi đọc trên mạng thì biết virus viêm gan C có nhiều type khác nhau. Vậy hiện nay có thuốc nào điều trị được tất cả type này hay chưa? Cảm ơn bác sĩ ạ. (Chi, 30 tuổi, TP.HCM)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Virus viêm gan C được chia thành 6 type chính, những thuốc trước đây có phác đồ điều trị có phần khác nhau tùy theo type của virus viêm gan C. Hiện nay, đã có một số thuốc có tác dụng trên tất cả type. Vì vậy, trong tương lai gần, có thể điều trị viêm gan C với thuốc mới mà không cần định type.
Sắp tới (có thể trong tháng 9 này), Việt Nam sẽ có công thức thuốc mới để chữa cho mọi type của virus viêm gan C.
- Thưa bác sĩ, làm thế nào để người nhiễm virus viêm gan C giảm nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan? (Lê Văn Bình, 38 tuổi, Quận 10, Tp HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Nhiễm virus viêm gan C rất khó tự hồi phục, gần 80% chuyển thành nhiễm mãn tính và bệnh diễn tiến càng xấu đi nếu tuổi nhiễm càng lớn, đồng nhiễm HBV, HIV và uống rượu bia.
Hiện theo các hướng dẫn điều trị viêm gan của nước ngoài và Việt Nam, người bệnh được khuyên nên điều trị sớm, không cần đợi tăng men gan hay có xơ hóa gan. Khi điều trị sớm, bệnh nhân tiêu diệt được virus viêm gan C và gan được bảo tồn, gần như không bị xơ và ung thư gan. Nếu chúng ta điều trị muộn, khi mức độ xơ hóa đã F3, F4 thì dù tiêu diệt được siêu vi khả năng xơ gan và ung thư gan vẫn có thể xảy ra.
Viêm gan C là "sát thủ thầm lặng", không có nhiều triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Để phát hiện bệnh sớm, bạn nên tầm soát bệnh, không nên để có triệu chứng mới đi khám bệnh vì lúc đó mức độ xơ hóa đã cao, khó tránh khỏi xơ và ung thư gan.
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Bạn có thể làm theo những cách sau;
- Không làm tổn thương gan thêm bằng cách tránh xa rượu, bia, thuốc lá, các loại thuốc và thực phẩm không rõ nguồn gốc, có tiềm năng ảnh hưởng đến gan.
- Tránh để thừa cân hoặc béo phì, các bệnh lý rối loạn mỡ máu và gây gan nhiễm mỡ.
- Nên kiểm soát tốt các bệnh lý tiểu đường.
- Nên chủ động điều trị sớm mỗi khi phát hiện bệnh viêm gan C. Đừng chờ đợi đến khi có biến chứng như xơ hóa gan nặng, xơ gan và ung thư gan mới chữa trị.
- Những quan điểm sai lầm về việc phòng ngừa và điều trị viêm gan C mà người bệnh hay mắc phải? (Lâm Quang, 29 tuổi, Quận 5, Tp HCM)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Về việc phòng ngừa viêm gan C qua thực tế làm việc, chúng tôi ghi nhận bệnh nhân thường có những quan điểm sai lầm như sau:
- Bệnh lây qua đường ăn uống và tiếp xúc thông thường nên bệnh nhân bị cách ly từ ăn uống đến sinh hoạt.
- Bệnh đã có thuốc chích ngừa và yêu cầu bác sĩ cho được chủng ngừa viêm gan C.
- Bệnh không lây qua đường máu mà chỉ lây qua đường tình dục.
Về điều trị viêm gan C cũng có những suy nghĩ không đúng, mà thực tế làm việc chúng tôi hay gặp bệnh nhân thắc mắc:
- Viêm gan C không có thuốc điều trị đứt điểm, mà tái đi tái lại.
- Thuốc điều trị viêm gan C rất nhiều tác dụng phụ không thể nào chịu đựng nổi.
- Thời gian điều trị viêm gan C phải kéo dài một đến hai năm và mỗi lần tái phát lại phải điều trị tương tự như vậy.
- Khi đi khám sức khoẻ thì chỉ số men gan bao nhiêu và biểu hiện bệnh trạng như thế nào thì cảnh báo sẽ bị viên gan siêu vi C. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em với ạ! (Nguyễn Hữu Khánh, 30 tuổi, Q11, HCM)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Có ba loại men gan phổ biến là: AST, ALT, GGT mà bệnh nhân hay đi xét nghiệm cho ra chỉ số bình thường, có thay đổi chút ít tùy theo phòng xét nghiệm, thông thường là 20-40 UI/ml. Tuy nhiên, không thể đánh giá bệnh qua men gan vì có nhiều trường hợp bệnh gan, viêm gan, xơ gan mà men gan không tăng. Có nhiều trường hợp viêm gan C, men gan bình thường nhưng khi sinh thiết gan thấy có 20-30% trường hợp có tổn thương tế bào gan.
Để biết có bị viêm gan C hay không, bạn nên xét nghiệm máu tìm viêm C qua dấu ấn AntiHCV. Để đánh giá bệnh nặng hay nhẹ, bạn cần làm thêm các xét nghiệm máu đặc hiệu cho viêm gan C, siêu âm, siêu âm định lượng xơ gan.
- Mức độ nguy hiểm nếu bệnh nhân không phát hiện mình mắc bệnh viêm gan C sớm và có cách điều trị kịp thời. (Giang Bùi, 33 tuổi, Quận 2, Tp HCM)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Bệnh viêm gan C còn được chúng tôi gọi là "sát thủ thầm lặng" vì bệnh diễn tiến âm thầm ở gia đoạn đầu, không có biểu hiện rõ rệt cho đến khi xuất hiện biến chứng xơ gan và ung thư gan thì mới có biểu hiện rõ rệt như vàng da, bụng to, gan to cứng... Do đó, nếu được thì chúng ta nên đi xét nghiệm kiểm tra xem có nhiễm viêm gan C hay không dù chúng ta rất khỏe mạnh. Nếu phát hiện bệnh thì điều trị sớm, vì hiện tại điều trị viêm gan C rất ít tác dụng phụ, ngắn ngày, và thành công cao tránh hiện tượng khi có triệu chứng rồi mới đi khám và phát hiện bệnh thì việc điều trị đôi khi không hiệu quả hoặc hiệu quả rất ít, mà tình trạng bệnh không cải thiện nhiều.
- Tôi bị viêm gan B siêu vi đã ba năm nay và đã điều trị tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhưng vẫn chưa hết. Vậy giờ bác sĩ tư vấn giúp uống thuốc gì và điều trị ở đâu, để lâu nó có chuyển sang siêu vi C không? (đăng thil vân, 47 tuổi, cụm 3 vân nam phúc thọ ha noi)
- Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương:
Chào bạn,
Viêm gan B và C là hai loại virus khác nhau cùng tấn công gan. B và C chỉ là tên riêng của hai loại virus này, do đó bạn yên tâm không có chuyện bị viêm gan B lâu, rồi chuyển sang viêm gan C, mà chỉ có là bạn có thể bị viêm gan B, rồi sau này bị nhiễm thêm viêm gan C. Tức là bạn bị hai loại virus khác nhau cùng tấn công lá gan. Thực tế này tôi từng gặp. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm, cho dù có rơi vào tình huống này thì vẫn có cách xử trí.
Trường hợp của bạn, tôi dự đoán, bạn bị viêm gan B thể hoạt động, nên các bác sĩ đã cho bạn sử dụng thuốc để khống chế virus viêm gan B. Đặc điểm loại bệnh này là bạn cần sử dụng thuốc đều đặn, tái khám thường xuyên, không bỏ thuốc vì khi ngưng thì bệnh sẽ bùng phát lên.
Trường hợp của bạn nói không hết, vì không khám bệnh trực tiếp và xem các xét nghiệm của bạn nên có thể tình trạng của bạn là do virus kháng thuốc hoặc đơn giản hơn là virus đã ngưng hoạt động, nhưng mầm virus vẫn còn nằm yên trong gan. Vì vậy, bạn cần dùng thuốc liên tục để virus đừng quay trở lại.
- Tôi không thấy những triệu chứng như vàng da, mắt vàng, đi tiểu nước tiểu không đậm màu nhiều... chỉ có bụng hơi to giống người uống bia có bụng to mặc dù đã 2 tháng nay tôi không uống bia. Xin bác sĩ cho biết trường hợp của tôi nên dùng thuốc nào nếu định type thuốc type 2? (Tran Luu Chinh, 68 tuổi, 4A,duong 10 kp3 P.Linh Xuan Q.TD)
- Bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy:
Viêm gan C mãn rất ít có triệu chứng, bệnh diễn tiến âm thầm vì vậy, bạn nên tầm soát mới tránh khỏi xơ và ung thư gan.
Hiện có rất nhiều thuốc điều trị viêm gan C cho tất cả các kiểu gen, vì vậy anh bị kiểu gen 2 hay bất kỳ kiểu gen gì cũng điều trị được. Anh nên đi đến bác sĩ chuyên khoa gan để điều trị, không nên đợi đến bụng to hay vàng da thì vàng mắt thì bệnh đã nặng rồi, rất khó điều trị hồi phục.
- Chào bác sĩ, tháng 4 vừa qua em đi xét nghiệm thì phát hiện mình bị viêm gan C. Tuy nhiên, sau khi xem kết quả, bác sĩ nói virus viêm gan C trong cơ thể em hiện không hoạt động nên không cần uống thuốc điều trị, chỉ cần chú ý chế độ dinh dưỡng và chăm vận động để tăng cường sức đề kháng. Từ đó đến nay, em thấy sức khoẻ hoàn toàn bình thường, đã đi khám định kỳ vào tháng 8 thì các chỉ số nước tiểu và máu đã ổn định.
Vậy em có cần làm lại các xét nghiệm chuyên sâu như lần trước để xác định xem virus viêm gan C trong cơ thể tiến triển như thế nào không? Nếu như virus vẫn không hoạt động thì em cần làm cách nào để khỏi bệnh hoàn toàn hay phải chấp nhận sống chung với nó? Căn bệnh này có di truyền sang con hay lây cho vợ hay không vì em sắp lập gia đình nên rất lo lắng. Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Em trân trọng cảm ơn. (Lê Minh, 29 tuổi)
- Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt:
Chào bạn,
Nếu bạn đã xét nghiệm và phát hiện có mặt virus viêm gan C vẫn có nguy cơ nó sẽ hoạt động khi có cơ hội. Với các loại thuốc uống điều trị viêm gan C hiện nay có hiệu quả rất cao và an toàn nên các khuyến cáo của các hội gan mật lớn thế giới (như Mỹ, châu Âu, châu Á Thái Bình Dương...) đều khuyên điều trị càng sớm càng tốt dù nó không hoạt động. Vì vậy, khái niệm không hoạt động và chưa điều trị không còn thích hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Nếu điều trị lành thì vấn đề bạn đang lo lắng sẽ được giải quyết triệt để. Còn nếu không được chữa khỏi, viêm gan C có thể lây truyền qua đường tình dục, giữa vợ chồng cũng có thể lây truyền cho con với tỷ lệ thấp.
Có điều kiện, bạn nên điều trị ngay để không còn lo lắng nữa.
Qua buổi tư vấn này, chúng tôi muốn chuyển đến thông điệp sau:
- Điều trị viêm gan C hiện nay dẫn đến tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn rất cao, an toàn. Giá thành điều trị có thể chấp nhận được và so với công thức trước đây chỉ bằng khoảng 1/4.
- Một khi bệnh đã lành sẽ không có tái phát, nhưng vẫn có thể bị tái nhiễm.
- Nếu điều trị muộn, khi đã có biến chứng thì hiệu quả không cao, các hậu quả nguy hiểm vẫn còn tuy có giảm nhưng không hết hẳn.
- Đối với viêm gan C hiện nay, khi phát hiện có bệnh viêm gan C nên chữa trị càng sớm càng tốt.
Về cơ bản, hiện nay Việt Nam có đủ các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan C. Vì thế, đây là tin mừng với người bệnh, bạn nên tiếp nhận và chữa trị để thoát khỏi căn bệnh "thầm lặng" nhưng nguy hiểm này.
Phát Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét