1. Ung thư là căn bệnh xuất hiện từ lâu
Quan niệm ung thư là căn bệnh chỉ có ở thời hiện đại là sai lầm khá phổ biến. Thực tế, trường hợp đầu tiên trên thế giới ung thư di căn được phát hiện có niên đại 3.200 năm tuổi.
Chống lại căn bệnh tước đi mạng sống hàng triệu người mỗi năm, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để tìm hiểu sâu về cơ chế và cách điều trị sao cho hiệu quả nhất. Tới nay y học đã có nhiều phương pháp hiệu quả trong điều trị ung thư, giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thêm kiến thức về ung thư sẽ giúp bạn vững vàng hơn trong cuộc chiến chống căn bệnh nguy hiểm này. Ảnh minh họa: Telegraph |
2. Lối sống khoa học có thể giúp giảm nguy cơ ung thư
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, 1/3 trường hợp ung thư có thể ngăn chặn được nhờ các chọn lựa lối sống lành mạnh của mỗi người. Chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, thể dục điều độ và duy trì cân nặng lý tưởng giúp ích rất nhiều. Ngoài ra, chống nắng cho da, hạn chế đồ uống có cồn, thịt đỏ và không hút thuốc lá là những thay đổi mỗi người nên bắt đầu càng sớm càng tốt để bảo vệ chính mình.
Tuy nhiên cần hiểu rõ lối sống lành mạnh không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ ung thư. Không hiếm trường hợp bệnh nhân ung thư là người ăn chay và duy trì tập luyện điều độ. Nhiều người không bao giờ hút thuốc lại bị ung thư phổi. Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt bỏ ngực vẫn có thể tái phát ung thư vú hoặc di căn sang phổi, da hay xương. Với ung thư, không có gì là chắc chắn và nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều nhân tố phức tạp xảy ra từ sâu trong DNA. Dù vậy duy trì lối sống khoa học là điều bạn có thể thực hiện để giảm đáng kể nguy cơ nhiều loại ung thư.
Tiêm ngừa cũng là một biện pháp khác ngăn chặn ung thư. Văcxin HPV ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến cáo tiêm trước khi có bất kỳ quan hệ tình dục nào. Nhiều loại văcxin ngừa ung thư khác đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.
3. Tầm soát giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công
Khám tầm soát ung thư là cách đơn giản để phát hiện bệnh nhưng vẫn chưa nhiều người thực hiện. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ tâm lý e ngại bệnh viện, sợ các quy trình kiểm tra, không có thời gian thực hiện hoặc thiếu kiến thức.
Hiện nay tầm soát có thể phát hiện sớm nhiều loại ung thư. Chẳng hạn, nội soi đại trực tràng giúp nhận diện nguy cơ trước khi ung thư ruột tấn công. Bệnh nhân được phát hiện sớm có tỷ lệ sống trong 5 năm tiếp theo lên tới 90%.
Những phương pháp tầm soát khác bao gồm kiểm tra da, các bài tự khám ngực, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, Pap smear (phết tế bào tử cung) và xét nghiệm tìm DNA HPV. Giới khoa học cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những kiểm tra đơn giản và ít xâm lấn như kiểm tra hơi thở , qua đó chẩn đoán hoặc dự báo nguy cơ ung thư cho con người nhanh chóng và hiệu quả.
4. Ung thư không phải là một căn bệnh riêng lẻ
Ung thư không phải là một bệnh riêng lẻ. Thực tế, ung thư là nhóm bệnh gồm hơn 400 loại bệnh khác nhau, đặc trưng bởi sự phân chia và lan rộng vô tổ chức của các tế bào bất thường. Không loại ung thư nào giống nhau hoàn toàn. Đây là lý do khiến các phương pháp điều trị tiêu chuẩn mang lại hiệu quả khác nhau trên hai người bệnh ung thư.
5. Y học cá nhân hóa sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức điều trị ung thư hiện nay
Y học cá nhân hóa cho phép triển khai các biện pháp điều trị tương thích với đặc điểm di truyền học của mỗi người và các khối u mang trong cơ thể. Hiện nay, liệu pháp điều trị đích ung thư phổi tế bào đã được áp dụng trên bệnh nhân ung thư phổi với các khối u có đột biến gene BRAF. Qua đó, bệnh nhân cho kết quả khả quan hơn với ít tác dụng phụ so với hóa trị liệu.
6. Miễn dịch trị liệu chỉ là bước khởi đầu cho cuộc "cách mạng" thay đổi trong điều trị ung thư
Khác với hóa trị và xạ trị, miễn dịch trị liệu tận dụng cơ chế tự bảo vệ của cơ thể hay chính những tế bào miễn dịch để khống chế ung thư. Liệu pháp này kích thích sản sinh các tế bào miễn dịch đặc hiệu có chức năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư, nhờ đó không xâm lấn và làm ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác trong cơ thể.
Trên nền tảng miễn dịch trị liệu, các nhà khoa học ĐH Duke, Mỹ, thử nghiệm sử dụng virus bại liệt (virus polio) được điều chỉnh gene để điều trị u não. Kết quả nhận được trên các bệnh nhân tình nguyện khá khả quan, hứa hẹn một phương pháp đầy triển vọng bên cạnh hóa trị, xạ trị và phẫu thuật cắt u.
7. Cập nhật bước tiến trong nghiên cứu điều trị ung thư rất cần thiết
Mỗi ngày trôi qua, các nhà nghiên cứu lại tiến gần hơn tới những hiểu biết về ung thư và tìm ra những biện pháp mới hiệu quả hơn để đối phó căn bệnh này. Cập nhật những kiến thức về ung thư qua tự tìm hiểu và tư vấn của các bác sĩ điều trị sẽ cho bạn thêm nhiều lựa chọn và quan trọng hơn là hy vọng trong cuộc chiến chống ung thư.
8. Niềm tin là vũ khí mạnh nhất chống lại ung thư
Ung thư được ví như một kẻ trộm, cố gắng cướp đi hy vọng, giấc mơ và cuộc sống người bệnh, khiến họ héo mòn dần cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, một "chiến binh" thật sự sẽ không để điều đó xảy ra.
Hiện nay, hy vọng sống cho các bệnh nhân ung thư ngày càng tăng trong bối cảnh điều kiện và phác đồ điều trị được cải thiện, qua đó giúp kéo dài sự sống. Nhiều kết quả trong các nghiên cứu được tuyên bố cũng là những tín hiệu khả quan.
Khả năng đẩy lui hoàn toàn bệnh trong tương lai là điều không thể nói trước. Tuy nhiên, có thể biến ung thư thành một hội chứng dễ kiểm soát hơn là căn bệnh giết người số một là niềm tin của nhiều nhà khoa học.
Khánh Hà (Theo Huffington Posst)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét