Để thoải mái trong thời tiết lạnh, cần biết cách giữ ấm dựa trên việc hiểu được cơ sở khoa học về sự truyền nhiệt. Loren Greenway, Giám đốc Trung tâm y tế Wilderness ở thành phố Salt Lake, bang Utah (Mỹ) cho biết, muốn giữ ấm phải nắm được hai nguyên tắc quan trọng: Tính dẫn nhiệt và sự đối lưu nhiệt.
Tính dẫn nhiệt là sự truyền nhiệt giữa hai bề mặt cứng có tiếp xúc trực tiếp với nhau, chẳng hạn khi bạn đứng trên đường đóng băng. Sự đối lưu nhiệt là sự truyền nhiệt giữa một khối (chẳng hạn như cơ thể bạn) và một dung dịch hay khí di chuyển, ví dụ như một cơn gió lạnh quất vào từng thớ thịt của bạn. Hiểu được hai cơ chế trên, bạn sẽ biết cách hiệu quả trong việc điều hòa thân nhiệt, giữ ấm và an toàn trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý:
Mặc nhiều lớp
Bạn mất nhiệt qua sự truyền nhiệt bất cứ khi nào cơ thể tiếp xúc trực tiếp với thứ gì đó lạnh, như khi ngồi trên nền lạnh buốt. Gió cũng làm bạn mất nhiệt theo cách này. Nhưng có thể giữ cho cơ thể khỏi sự mất nhiệt từ hai yếu tố trên bằng cách mặc nhiều lớp quần áo.
Lớp cơ bản - đồ lót dài và dày, tất len - giúp bạn đỡ bị mất nhiệt từ sự dẫn nhiệt. Lớp ngoài cùng nên mặc đồ chống gió và chống nước nhưng vẫn thoáng, để bảo vệ bạn khỏi sự mất nhiệt qua không khí, nước. "Mọi thứ có thể đắp lên người để bao phủ cơ thể sẽ giúp bạn không bị tác động bởi cái lạnh", bác sĩ Greenway nói.
Ảnh minh họa: Richmondaid.org.uk. |
Đừng run rẩy
Run rẩy, co ro đúng là dấu hiệu cảnh báo bạn đang quá lạnh và cần vào nơi ấm hơn. Khi nhiệt độ da giảm, sự co ro, rùng mình giúp giữ cho thân nhiệt của bạn khỏi hạ thấp. Sự co thắt, co rút và nới lỏng các cơ sẽ làm tiêu hao năng lượng và sinh nhiệt để thay thế nhiệt độ mà cơ thể mất đi qua sự dẫn nhiệt hay đối lưu. Nhưng điều này cũng có nghĩa khi bạn bắt đầu run rẩy thì não sẽ thông báo với cơ thể rằng đã đến lúc cần tới nơi khác giúp bạn ấm hơn.
Như vậy, việc co ro sẽ có ích khi bạn bị giảm nhiệt nhẹ nhưng sẽ chẳng ý nghĩa gì nếu giảm nhiệt quá nhiều, từ mức trung bình trở đi. Bởi cơ thể sẽ tự ngừng run rẩy khi sự co rút cơ không còn tác dụng gì nữa trong việc sản sinh ra nhiệt. Điều đó có nghĩa là khi bạn lạnh hơn, sự run rẩy thậm chí dừng lại, vì thế sau đó thân nhiệt còn giảm nhanh hơn.
Ăn no, uống đủ
Hãy ăn uống đầy đủ - nghĩa là tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mức cần đốt cháy - điều này sẽ giúp cơ thể bạn đối phó với cái lạnh tốt hơn. Đây là điều rất quan trọng, để giúp lượng đường huyết đủ để cung cấp năng lượng cần cho việc giữ ấm khi trời lạnh.
Uống đủ nước cũng rất quan trọng. Cơ thể bạn sẽ chịu lạnh tốt hơn nếu nó được cung cấp thức ăn và nước uống cân bằng.
Làm quen với cái lạnh
Bạn có thể học cách thích nghi với thời tiết lạnh. Những người hay ở ngoài trời và nhiều thời gian tiếp xúc với cái lạnh thực sự có khả năng chịu đựng, phản ứng chủ động với thời tiết buốt giá.
Theo các nhà nghiên cứu, cơ chế của việc này đến nay còn chưa được giải thích thấu đáo nhưng một loại chất béo của cơ thể gọi là mỡ nâu có thể đóng vai trò quyết định. Không như loại mỡ trắng thông thường trong cơ thể - là nơi tích trữ calo bổ sung, mỡ nâu thực sự tiêu hao calo và giải phóng năng lượng như nhiệt.
Trẻ sơ sinh và các động có vú ngủ đông có nhiều mỡ nâu. Các nghiên cứu ở động vật và người cho thấy khả năng thích nghi thời tiết lạnh tăng công suất sản sinh nhiệt của mỡ nâu. Một số nghiên cứu cũng cho thấy tiếp xúc với cái lạnh thực sự tăng lượng mỡ nâu trong cơ thể.
Giữ trọng lượng cơ thể cân đối cũng giúp con người dễ chống đỡ với cái lạnh. Quá gầy có thể là một bất lợi trong mùa đông vì chất béo của cơ thể giúp bạn giữ ấm.
Hãy luôn chuẩn bị kỹ
Hãy chú ý tới dự báo thời tiết và luôn dự trữ đủ thực phẩm, tư trang ứng phó với cái lạnh (chăn ấm, quần áo khô, giày, tất, khăn...). Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Mỹ, 25% các tai ương liên quan tới thời tiết xảy ra khi con người không chuẩn bị trước cho các vấn đề thời tiết khắc nghiệt.
Biết được các nguy cơ của chính mình
Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị viêm tiền liệt tuyến, thuốc cho người suy tim, giãn mạch... có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với thời tiết lạnh cũng như một số bệnh như suy giảm hoạt động tuyến giáp. Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến cơ chế chịu đựng cái lạnh của cơ thể. Trẻ dưới 2 tuổi chưa phát triển khả năng điều chỉnh để tăng nhiệt độ cơ thể và người trên 60 tuổi cũng giảm khả năng sinh nhiệt. Hãy biết các trường hợp này để có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
Đừng uống bia rượu
Thường mọi người hay nghĩ một ly rượu mạnh, nóng có thể giúp bạn giữ ấm trong thời tiết buốt giá, nhưng thực tế không phải vậy. Đúng là các thức uống ấm thực sự làm tăng thân nhiệt và giúp bạn chống đỡ cái lạnh, song rượu không nằm trong số này. Rượu hoàn toàn không có tác dụng gì tốt nếu bạn uống lúc lạnh. Nó sẽ làm giảm thân nhiệt.
Vương Linh (Theo Livescience.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét