Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

30 phút tư vấn trực tuyến về phòng ngừa sốt xuất huyết

Chào bác sĩ Lân ạ. Bác sĩ cho hỏi làm thế nào để phân biệt bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác ạ. Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết là gì và khi nào thì điều trị tại nhà, giai đoạn này phải đưa đến bệnh viện.

Lê Thị Lan, 37 tuổi, Hà Nội

Xin chào độc giả VnExpress.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, nên được gọi tên chính xác là sốt xuất huyết Dengue nhằm phân biệt với các bệnh sốt xuất huyết khác, vì có rất nhiều bệnh có triệu chứng khởi phát và diễn tiến giống với bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, hoặc suy tạng, có thể tử vong.

Cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay khi bị bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi. Bác sĩ là người quyết định nên điều trị tại nhà hay ở bệnh viện tùy theo diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.

Lưu ý bạn rằng nếu bệnh nhân được quyết định điều trị tại nhà, bạn cần nghe kỹ và làm đúng lời dặn của bác sĩ về cách chăm sóc và theo dõi tại nhà để phát hiện sớm khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.

Em có 2 đứa con, một 6 tuổi một 2 tuổi. Bé lớn vừa bị sốt xuất huyết, đã xuất viện về nhà nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi. Em lo cháu nhỏ sẽ bị lây. Xin hỏi bác sĩ bệnh này cơ chế lây như thế nào, em phải làm gì để phòng ngừa bệnh cho bé nhỏ. Con lớn của em bị bệnh rồi liệu có tái phát nữa hay không? Xin cám ơn.

Thanh, 30 tuổi, Cần Thơ

Vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có tổng cộng 4 tuýp khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một tuýp vi rút Dengue nào, cơ thể bạn sẽ miễn nhiễm và không mắc bệnh lại với chỉ tuýp đó, nhưng các tuýp vi rút Dengue khác thì không. Do vậy, về lý thuyết, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu bé mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, bé có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do muỗi vằn truyền. Khi muỗi hút máu bệnh nhân, vi rút Dengue sẽ theo máu vào con muỗi, phát triển trong con muỗi và truyền qua cơ thể người khi muỗi chích hút máu những người khác.

Khi có bệnh nhân sốt xuất huyết, nghĩa là nơi đó có muỗi đã nhiễm vi rút Dengue. Do vậy, phải diệt hết muỗi tại nơi có bệnh nhân và diệt sạch loăng quăng tại nơi đó để không có muỗi mới xuất hiện. Thời gian đầu của biểu hiện bệnh, là lúc vi rút Dengue phát triển trong cơ thể người bệnh, tạo cơ hội cho muỗi đốt và làm lây lan sang người khác, do đó bệnh nhân nên ngủ mùng. Người khỏe mạnh còn lại nên tránh để muỗi chích.

Xin hỏi bác sĩ em phải chích ngừa sốt xuất huyết cho con em như thế nào, cháu mới hơn một tuổi. Em cám ơn.

Hòa Vang, 29 tuổi, Đà Nẵng

Cho đến nay sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có văcxin phòng bệnh.

Hiện nay trên thế giới đang có nhiều nghiên cứu tìm kiếm văcxin ngừa bệnh sốt xuất huyết. Kết quả nghiên cứu mới nhất của văcxin sốt xuất huyết, cho thấy có khả năng tạo ra văcxin hiệu quả và an toàn cho người. Nghiên cứu này còn kéo dài thêm 3 năm nữa mới có kết quả chính thức cuối cùng. Đến lúc đó, nhà sản xuất sẽ có hướng dẫn sử dụng cụ thể cho văcxin sốt xuất huyết này.

Xin hỏi bác sĩ, nhà hàng xóm tôi có người mắc bệnh sốt xuất huyết. Bên y tế dự phòng đã tới xịt thuốc khử trùng. Tuy nhiên tôi vẫn rất lo ngại muỗi sốt xuất huyết trong xóm vẫn còn nhiều có thể làm lây lan bệnh ra xung quanh, Tôi phải làm thế nào để phòng bệnh cho cả gia đình, nhà tôi có nhiều trẻ con. Xin cám ơn.

Tien Thanh, 32 tuổi, TP HCM

Tôi rất cảm thông với lo lắng của bạn vì lo ngại đó rất chính đáng và có cơ sở. Khi có bệnh nhân, nghĩa là muỗi vằn ở khu vực đó đang nhiễm vi rút Dengue, sẵn sàng truyền bệnh cho người khác.

Khi phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết, cán bộ y tế dự phòng phun hóa chất diệt muỗi ngay nhằm diệt sạch muỗi không chỉ ở nhà bệnh nhân, mà còn ở khu vực xung quanh với diện tích đủ rộng, dự phòng muỗi nhiễm vi rút đã bay ra khỏi nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, công việc này chỉ diệt được muỗi khi đang phun, không diệt được muỗi mới nở ra sau đó. Những con muỗi mới này sẽ chích bệnh nhân có sẵn trong khu vực và trở thành muỗi nhiễm vi rút để tiếp tục truyền bệnh.

Do vậy, điều quan trọng là mỗi người dân cần chung tay với y tế bằng cách diệt sạch loăng quăng trong và ngoài nhà mình trước khi phun hóa chất diệt muỗi, và duy trì hoạt động này hàng tuần sau đó. Khi đó, khu vực bạn đang sống sẽ không có loăng quăng, không có muỗi nhiễm vi rút và không có muỗi mới. Như vậy chúng tôi gọi là diệt tận gốc và triệt để giúp gia tăng và kéo dài hiệu quả của phun hóa chất.

Công việc này phải đồng lòng, tất cả mọi nhà trong khu vực đều phải thực hiện. Có vậy, bạn sẽ hết lo lắng cho gia đình mình và trẻ con.

Tôi muốn gửi tới giáo sư một bài thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết dân gian, giúp người bệnh mau khỏi và không phải đến bệnh viện: khi phát hiện người bệnh sốt xuất huyết. Chỉ cần dào một củ khoai ngứa (ở miền Bắc gọi là củ ráy), gọt vỏ mài thành nước, sau đó dùng cọng lá chuối cắt vát miết vào đĩa nước khoai ngứa, miết từ xương gáy xuống tận xương cụt, ngày làm 3 lần, sáng trưa chiều. Sau một ngày hạ sốt ngay, sau 3 ngày khỏi ốm (khi bị sốt xuất huyết miết củ khoai ngứa lên người, người bệnh không bị ngứa). Tôi đã được bố tôi chữa khỏi bệnh. Xin giáo sư phổ biến cho người dân.

Nguyễn thị Huyền, 62 tuổi, 222 Âu cơ ,quận Tây hồ, tp Hà Nội

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa có văcxin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó giải pháp nào giúp cho người dân giảm tác động của bệnh, đều quý báu. Có lẽ cán bộ y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng trân trọng và cám ơn đóng góp của cô.

Chủ trương của ngành y tế nước ta là đông tây y kết hợp trong điều trị bệnh. Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn sử dụng nhiều bài thuốc y học cổ truyền trong điều trị sốt xuất huyết Dengue. Các bài thuốc này đã và đang chứng tỏ hiệu quả trong điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng cho những bệnh sốt xuất huyết nhẹ, nhất là tại y tế cơ sở.

Tuy nhiên với việc sử dụng bài thuốc nào cho cộng đồng, trên số lượng lớn, cần được nghiên cứu, thẩm định đạt kết quả. Mong Cô phối hợp với Sở ngành y tế và Sở Khoa học công nghệ Hà Nội để báo cáo và cùng với các cơ quan chức năng khác xem xét, quyết định.

Bé nhà em 3 tuổi, sức đề kháng yếu nên thường xuyên bị cảm sốt. Em tìm hiểu được biết thông tin riêng bệnh sốt xuất huyết thì không được cho trẻ dùng các thuốc nhóm aspirine để hạ sốt. Xin hỏi bác sĩ điều này là như thế nào?

Kim Mai, 32 tuổi, Gò Vấp, TP HCM

Aspirin có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng (hay còn gọi là đau bao tử) và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue lại gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Nhẹ thì xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Nặng thì gây chảy máu răng, chảy máu cam, ói ra máu hoặc tiêu phân đen.

Do vậy, khi bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue uống aspirin, tình trạng chảy máu sẽ trầm trọng hơn, có thể gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ cho tôi hỏi cách nhận biết sốt xuất huyết. Bệnh này thường xảy ra ở những lứa tuổi nào? Trẻ em có bị không?
Khi bị sốt xuất huyết thì phải làm gì?
Cách phòng chống bệnh.

Nguyễn Thị Mỹ, 37 tuổi, 62 Thổ Quan - Khâm Thiên - Hà Nội

Người nào cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết. Trẻ em, người lớn hay thậm chí người già cũng có thể mắc bệnh. Do đó, sốt xuất huyết là chuyện không của riêng ai. Mọi người phải cùng hành động phòng chống sốt xuất huyết mới có thể tạo ra hiệu quả cao và triệt để. Hành động rất đơn giản và không tốn thời gian. Mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để thực hiện.

(1) Kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp;

(2) Thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn;

(3) Dọn dẹp, loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để loăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh SXH.

Kính thưa Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Trọng Lân, đối với trẻ nhỏ trên 1 tuổi có nên dùng các sản phẩm thuốc thoa để phòng chống muỗi hay không. Kính chào!

Hải Đăng, 29 tuổi, Q7 TPHCM

Mỗi loại hoạt chất trong thành phần của sản phẩm thoa để phòng chống muỗi, được sử dụng có các lứa tuổi khác nhau. Do đó bạn cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên nhãn và đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành.

Nhà tôi ở gần khu vực cầu Băng Ky, hàng năm cứ vào mùa này là muỗi xuất hiện rất nhiều làm lây lan bệnh sốt xuất huyết. Năm nào địa phương cũng cử người đi vớt bèo trên kênh để giảm bớt muỗi nhưng tôi thấy không giải quyết được triệt để vì tình trạng ô nhiễm dọc kênh. Chúng tôi phải chung sống với muỗi thế nào để đảm bảo không mắc bệnh? Nói thêm là ô nhiễm trên kênh phần lớn do ý thức người dân xung quanh kém nên xả rác bừa bãi ra môi trường.

Vân, 35 tuổi, TP HCM

Mỗi loại muỗi có thể truyền các bệnh riêng như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B... Dù loại muỗi nào với số lượng lớn cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để giải quyết gốc rễ của vấn đề này, cần phải loại bỏ loăng quăng, bọ gậy, không để cơ hội phát triển thành muỗi. Nếu ngành y tế chỉ phun hóa chất thì chỉ diệt được muỗi trưởng thành, sau 7 ngày lại sinh ra muỗi từ loăng quăng, bọ gậy, hoặc có thả hóa chất diệt loăng quăng hay không để phát triển thành muỗi, thì cũng cần số lượng lớn và thường xuyên. Do đó cần sự tham gia của xã hội và cộng đồng:

1. Chính quyền các cấp chỉ đạo việc cải tạo vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, không để tồn động các vũng nước động, bãi rác… phát động các phong trào vệ sinh môi trường phòng bệnh.

2. Đối với cộng đồng, mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để thực hiện:

(1) Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp; (2) Thay nước ở các bình bông; thả muối vào chén nước kê chân chạn; (3) Dọn dẹp, loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong nhà: Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo bừa bộn để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi; Cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày; Làm lưới che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà; Dùng nhang xua muỗi, bình xịt diệt côn trùng, vợt điện trong những giờ cao điểm muỗi thường hoạt động (sáng sớm và chiều tối); Phun diệt muỗi trên phạm vi rộng lớn (tổ, ấp, khu phố,...) chỉ thực hiện khi đúng chỉ định của cơ quan y tế địa phương và do cơ quan y tế thực hiện.

Viện Pasteur TP HCM cảm ơn Chị đã thông báo và sẽ chuyển nội dung này đến y tế TP HCM để phối hợp giải quyết.

Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Cám ơn độc giả VnExpress đã quan tâm đến việc phòng chống sốt xuất huyết vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Xin chào.

Sức Khỏe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến