Ba ca sinh đặc biệt này chào đời dưới theo dõi trực tiếp của đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng cùng những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh hiếm muộn. Các bé sinh ra đều khỏe mạnh và được đưa vào phòng chăm sóc sau sinh để tiếp tục theo dõi trong niềm vui mừng của sản phụ và người thân.
Bé trai đầu tiên chào đời được cha mẹ đặt tên là Thiên Phúc. Ảnh: MT. |
Trực tiếp thăm khám và theo dõi các trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lê, trưởng khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chia sẻ: "Ba em bé đầu tiên chào đời là niềm tự hào lớn của đội ngũ y bác sĩ Khoa Hiếm muộn. Nó đánh dấu một bước tiến mới và nhắc nhở chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa nhằm mang lại niềm hy vọng, hạnh phúc cho các cặp vợ chồng chẳng may hiếm muộn, vô sinh".
Cách đây 10 năm, khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã nhận bệnh nhân điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chưa thành công. Tháng 3 năm nay, đơn vị mới chính thức triển khai chu kỳ điều trị chọc hút trứng - chuyển phôi với sự chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Hội Nội tiết sinh sản - Vô sinh TP HCM (HOSREM) và Bệnh viện Mỹ Đức. Kết quả là sự ra đời của 3 em bé đầu tiên.
Bộ Y tế cũng chính thức công nhận đây là đơn vị có đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm cũng như các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác như tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, xin cho trứng, trữ đông phôi, trữ đông tinh trùng, chuyển phôi trữ đông…
Theo bác sĩ Phương Lê, đến nay bệnh viện đã thực hiện được 116 chu kỳ chuyển phôi tươi và 25 chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh với tỷ lệ thành công tương đương với các trung tâm lớn trong nước. Trong đó tỷ lệ thai lâm sàng/chuyển phôi trữ lạnh là 11/25 (44%), cao hơn so với chuyển phôi tươi 48/116 (33,6%). Hiện tại, đơn vị này đã trang bị đầy đủ các thiết bị đồng bộ và hiện đại, thực hiện được hầu hết các kỹ thuật quan trọng để điều trị vô sinh.
Sản phụ xúc động khi được ôm con trong tay. Ảnh: MT. |
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm có thể điều trị được cho những trường hợp: Nam giới không có tinh trùng do tắc nghẽn, phụ nữ tắc ống dẫn trứng hai bên, bất thường thụ tinh và nhiều trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân…
"Việc thực hiện kỹ thuật này ngay tại Đà Nẵng không chỉ giảm thời gian đi lại, chi phí điều trị cho người dân trong địa bàn mà còn giảm căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân", tiến sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết. Trung bình điều trị cho một ca hiếm muộn khoảng 68-70 triệu đồng tùy theo thể trạng bệnh nhân, trong đó chi phí máy móc từ 18 đến 20 triệu đồng, thuốc khoảng 50 triệu đồng.
Thi Ngoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét